Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2)

Kính thưa quý vị, trên đây là nhan đề của bài viết trong mục Podcast – Trò chuyện cùng Công Thương ngày hôm nay, bài viết của tác giả Hà Nam (giới thiệu) được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại trang web pvn.vn, kính mời quý vị cùng lắng nghe.

Winston Churchill đột nhiên thay đổi quan điểm của mình. Trước mùa hè năm 1911, ngài Bộ trưởng Nội vụ trẻ trung Churchill vẫn còn là một trong những người đứng đầu phe "các nhà kinh tế học", bao gồm những thành viên của Nội các Anh phản đối việc tăng chi phí quân sự nhằm đưa nước Anh vượt lên trong cuộc chạy đua hải quân giữa Anh và Đức. Cuộc chạy đua này là tác nhân gây nhiều hiềm khích nhất, khiến thái độ thù địch giữa hai quốc gia ngày càng trở nên sâu sắc. Tuy nhiên, Churchill lúc đó lại khẳng định chắc chắn rằng khả năng xảy ra chiến tranh với Đức không phải là không tránh khỏi, và nước Đức không phải lúc nào cũng hiếu chiến. Ông nhấn mạnh nên đầu tư ngân sách vào các chương trình xã hội trong nước hơn là vào việc trang bị thêm tàu chiến mới.

Nhưng ngày 1 tháng 7 năm 1911, Hoàng đế Đức Wilhelm II bất ngờ hạ lệnh cho Báo đen, một tàu hải quân chạy bằng hơi nước của Đức, tiến vào vùng cảng Agadir nằm trên bờ Đại Tây Dương của Marốc. Mục đích của Wilhelm II là kiểm tra sức ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi và tìm một căn cứ đóng quân cho Đức. Mặc dù Báo đen chỉ là một chiếc tàu được trang bị súng, và Agadir là một thành phố cảng không mấy quan trọng, song sự xuất hiện của con tàu này tại đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.

Việc Đức từng bước củng cố quân đội của mình vốn đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại cho các nước láng giềng châu Âu; nhưng tới lúc này, với khát khao đi tìm "chỗ đứng dưới bầu trời" cho mình, dường như Đức đang trực tiếp thách thức vị trí của Pháp và Anh trên trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh đã bóp nghẹt bầu không khí châu Âu trong nhiều tuần. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tình hình căng thẳng đã dịu bớt – theo lời của Churchill thì "kẻ bắt nạt đang xuống thang". Nhưng sự kiện trên đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của Churchill. Khác hẳn với đánh giá trước kia, giờ đây Churchill tin chắc rằng Đức đang tìm cách nắm bá quyền và sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để giành được điều đó. Ông đi đến kết luận chiến tranh là bất khả kháng – vấn đề chỉ còn là thời gian. Churchill được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân ngay sau sự kiện Agadir. Ông tuyên bố sẽ làm tất cả để chuẩn bị về mặt quân sự cho nước Anh nhằm đối phó với ngày định mệnh đang đến, ngày mà chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra.

Trách nhiệm của ông là phải bảo đảm cho Hải quân Hoàng gia Anh, biểu tượng đồng thời là đại diện cho sức mạnh đế quốc của Anh, sẵn sàng đối mặt với người Đức trên các vùng biển quốc tế. Một trong những vấn đề quan trọng và gây tranh cãi nhất mà Churchill phải đối mặt lúc đó dường như chỉ thiên về kỹ thuật, song trên thực tế nó lại có tác động sâu rộng trong thế kỷ XX: Hải quân Anh có nên chuyển từ nguồn năng lượng than truyền thống sang sử dụng dầu không?

Nhiều người cho rằng việc chuyển đổi như vậy là quá mạo hiểm, vì như thế có nghĩa là Hải quân sẽ mất đi chỗ dựa là nguồn than an toàn và ổn định của xứ Wales. Thay vào đó, họ sẽ phải trông chờ vào nguồn cung cấp dầu xa xôi và bất ổn của Ba Tư (tên cũ của Iran).

Churchill cho biết: Thật ra, việc chuyển hẳn nguồn năng lượng sử dụng trong hải quân sang dầu là "một hành động chuốc lấy vô số rắc rối". Nhưng những lợi ích chiến lược mà dầu mang lại – tốc độ nhanh hơn và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn – đã trở nên quá rõ ràng khiến Churchill không thể chậm trễ. Ông quyết định nước Anh sẽ phải xây dựng "sức mạnh hải quân thống trị của mình dựa trên dầu mỏ" và lập tức bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu trên với tất cả sức lực và lòng nhiệt tình mạnh mẽ. "Quyền lực chính là chiến lợi phẩm của cuộc phiêu lưu này" − Churchill khẳng định.

undefined
Winston Leonard Spencer-Churchill (1874-1965), người được biết tới như một trong những nhà lãnh đạo tài ba và quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh.

Với quan điểm đó, Churchill, trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã nắm được một chân lý cơ bản, không chỉ đúng trong cuộc chiến nảy lửa sắp tới mà còn đúng trong nhiều thập kỷ sau đó. Bởi vì trong suốt chặng đường của thế kỷ XX, dầu mỏ đồng nghĩa với quyền lực. Và hành trình kiếm tìm quyền lực đó cũng là chủ đề của cuốn sách này. Đầu những năm 1990 – gần 80 năm sau khi Churchill thực hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng dầu mỏ, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, và trong một thời điểm được kỳ vọng là mở đầu cho một kỷ nguyên mới hòa bình hơn – một lần nữa dầu lại trở thành tâm điểm của mối mâu thuẫn toàn cầu.

Ngày 2/8/1990, Saddam Hussein, Tổng thống Iraq, đưa quân xâm lược Côoét. Mục đích của Saddam Hussein không chỉ là xâm chiếm một nhà nước có chủ quyền mà còn nhằm nắm giữ nguồn tài sản quý giá của nó. Chiến lợi phẩm thu về sẽ rất lớn. Nếu thành công, Iraq sẽ trở thành cường quốc dầu lửa lớn nhất thế giới và kiểm soát cả thế giới Arập và Vịnh Ba Tư, nơi tập trung phần lớn lượng dầu dự trữ của trái đất. Sức mạnh, tài sản mới và quyền kiểm soát dầu mỏ của Iraq sẽ khiến cả thế giới phải bợ đỡ những tham vọng của Saddam Hussein. Với nguồn tài nguyên của Côoét, Iraq sẽ có thể trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đáng sợ và thậm chí còn có thể tiến dần tới vị trí một siêu cường. Kết quả sẽ là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực quốc tế. Nói ngắn gọn, một lần nữa, quyền lực chính là chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, do những gì sẽ mất vào tay Iraq quá lớn, nên cuộc xâm lược Côoét không được thế giới chấp nhận như một việc đã rồi như Saddam Hussein từng hy vọng.

Không còn là thái độ bị động như khi Hitler tiến hành hoạt động quân sự hóa vùng Rhine phía tây nước Đức hay khi Mussolini tấn công Ethiopia. Thay vào đó, Liên hợp quốc đã ra lệnh cấm vận đối với Iraq, và nhiều quốc gia phương Tây và Arập đã tập hợp quân đội với quy mô lớn nhằm bảo vệ nước láng giềng Arập Xêút trước cuộc tấn công của Iraq cũng như chống lại những tham vọng của Saddam Hussein. Trong lịch sử thế giới chưa từng có tiền lệ nào cho sự hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô và cũng chưa từng có tiền lệ nào cho việc triển khai quân nhanh chóng với quy mô lớn như vậy vào khu vực này. Vài năm trước đó, quan điểm cho rằng dầu mỏ không còn "quan trọng" gần như đã được coi là hợp thời.

Mùa xuân năm 1990, chỉ vài tháng trước cuộc xâm lược của Iraq, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, đầu não trong chiến dịch huy động quân đội của Mỹ sau này, vẫn còn được thuyết giáo đại ý rằng dầu mỏ đã mất đi tầm quan trọng chiến lược của nó. Thế nhưng, cuộc xâm lược Côoét đã phá tan quan điểm huyễn hoặc đó. Đầu năm 1991, khi các biện pháp hòa bình đều đã tỏ ra vô hiệu trước một Iraq ngoan cố, không chịu rút quân khỏi Côoét, một liên minh gồm 33 nước do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt sức mạnh tấn công của Iraq sau năm tuần không chiến và 100 giờ lục chiến, đẩy Iraq ra khỏi lãnh thổ Côoét. Vào cuối thế kỷ XX, dầu mỏ vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong việc quyết định an ninh, sự thịnh vượng và bản chất của nền văn minh. Mặc dù lịch sử hiện đại của dầu bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng chính thế kỷ XX mới là thế kỷ bị biến đổi hoàn toàn bởi sự xuất hiện của nó.

Có thể nói xung quanh câu chuyện về dầu có ba chủ đề lớn. Thứ nhất là sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền thương mại hiện đại. Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX. Standard Oil, công ty kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cuối thế kỷ XIX, là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất của thế giới. Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX.

Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ. Khi nghĩ về thế kỷ XXI, chúng ta thấy rõ một điều rằng quyền lực của một con chip máy tính ngang ngửa với quyền lực của một thùng dầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn duy trì sức ảnh hưởng to lớn của nó.

Trong số 20 công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty có mức doanh thu lớn nhất của Mỹ) có đến bảy công ty dầu mỏ. Chừng nào con người còn chưa tìm được một nguồn năng lượng thay thế khác thì dầu vẫn còn tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu; những thay đổi lớn về giá dầu có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế hay ngược lại, dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế. Ngày nay, dầu mỏ là loại hàng hóa duy nhất mà thông tin về những sự kiện và tranh cãi xung quanh nó không chỉ được đăng tải thường xuyên trên các chuyên trang về kinh doanh mà còn trên trang nhất các báo. Và, cũng như trước đây, dầu mỏ vẫn là một nguồn sinh lợi lớn đối với các cá nhân, các công ty và các quốc gia. Theo lời một nhà tài phiệt thì, "Dầu gần như đồng nghĩa với tiền."

Chủ đề thứ hai là dầu liên quan mật thiết với các chiến lược quốc gia, tình hình chính trị toàn cầu và quyền lực. Tầm quan trọng của dầu, với tư cách là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia đã được khẳng định trên các mặt trận của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than.

Dầu là tâm điểm của các diễn biến cũng như kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở cả vùng Viễn Đông và châu Âu. Người Nhật tấn công Trân Châu Cảng với mục đích bảo vệ cánh quân bên sườn của mình khi họ đang tìm cách chiếm lĩnh nguồn dự trữ dầu ở khu vực các nước Đông Ấn. Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Hitler khi xâm lược Liên bang Xô Viết là nắm giữ các mỏ dầu vùng Caucasus (Cápcadơ). Nhưng cuối cùng, Mỹ mới là nước thống trị về dầu mỏ, và khi kết thúc cuộc chiến, các thùng chứa nhiên liệu của Đức và Nhật đều rỗng không. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giành quyền kiểm soát dầu giữa các công ty đa quốc gia và các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong phong trào đòi quyền độc lập của các dân tộc thuộc địa và của chủ nghĩa dân tộc mới nổi.

Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 – sự kiện đánh dấu con đường cùng cho các đế quốc châu Âu già nua – chủ yếu xoay quanh vấn đề dầu mỏ. "Quyền lực của dầu" đã trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều trong những năm 1970, đưa các quốc gia trước đây vốn chỉ đứng ngoài lề các diễn đàn chính trị quốc tế lên vị trí của các nước giàu có và có ảnh hưởng, đồng thời tạo nên một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc trong khối các nước công nghiệp vốn vẫn dựa vào dầu để phát triển kinh tế. Và dầu cũng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng đầu tiên thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990 – cuộc xâm lược Côoét của Iraq. Tuy vậy, đôi khi dầu lại là kho vàng trong tay kẻ ngốc.

Ước muốn mãnh liệt nhất của quốc vương Iran – sự giàu có nhờ dầu mỏ – đã trở thành hiện thực, nhưng cũng chính điều đó lại làm ông kiệt quệ. Dầu đã gây dựng nên nền kinh tế của Mexico, nhưng rồi lại khiến nó suy yếu dần. Liên bang Xô Viết − quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới – đã phung phí số doanh thu khổng lồ từ dầu trong những năm 1970 và 1980 cho một chiến dịch củng cố quân sự và một loạt các cuộc phiêu lưu quốc tế vô dụng, thậm chí nguy hại. Còn Mỹ, quốc gia từng giữ vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất và hiện vẫn là quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, phải nhập khẩu tới một nửa nguồn dầu cung ứng cho nhu cầu trong nước. Thực trạng này gây phương hại tới vị thế chiến lược tổng thể của Mỹ và làm gia tăng đáng kể gánh nặng thâm hụt mậu dịch – đây là một tình thế nguy hiểm đối với một cường quốc lớn.

Sau Chiến tranh Lạnh, một trật tự thế giới mới đang bắt đầu hình thành. Cạnh tranh kinh tế, những cuộc chiến giữa các quốc gia trong từng khu vực và những cuộc đấu tranh giữa các dân tộc, dưới sự trợ giúp và khuyến khích của việc phổ biến các loại vũ khí hiện đại, có thể sẽ thay thế hệ tư tưởng với vai trò là tâm điểm của mâu thuẫn quốc tế và quốc gia. Nhưng dù trật tự thế giới mới này có phát triển theo hình thái nào đi nữa, thì dầu vẫn sẽ là một nhân tố chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong các chiến lược quốc gia cũng như trên chính trường quốc tế. Chủ đề thứ ba trong lịch sử dầu mỏ lý giải vì sao xã hội của chúng ta lại trở thành một "Xã hội hydrocarbon" và chúng ta, theo ngôn ngữ của các nhà nhân loại học, lại trở thành "Con người hydrocarbon". Trong mấy thập kỷ đầu phát triển, việc kinh doanh dầu đã mang đến cho thế giới đang trên đà công nghiệp hóa một sản phẩm mang tên "dầu lửa". Đây được coi là "ánh sáng mới", giúp đẩy lùi bóng tối và kéo dài ngày làm việc.

Cuối thế kỷ XIX, chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa mà John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Thời đó, xăng gần như chỉ là một sản phẩm phụ vô dụng. Khó khăn lắm mới tìm được một người mua xăng với giá cao nhất là 2 xu/gallon; còn khi không bán được, buổi tối người ta lại lén lút đổ xăng xuống sông. Vào lúc sự xuất hiện của bóng đèn điện tưởng chừng như sắp đẩy nền công nghiệp dầu mỏ đi vào dĩ vãng thì một kỷ nguyên mới lại mở ra với sự phát triển của động cơ đốt trong dùng xăng. Ngành công nghiệp dầu mỏ đã có một thị trường mới. Và cùng với đó, một nền văn minh mới ra đời.

Trong thế kỷ XX, dầu, cùng với khí đốt tự nhiên, đã hạ bệ ngôi vị nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của ông vua than. Dầu cũng trở thành nền tảng của phong trào ngoại ô hóa rộng lớn thời kỳ hậu chiến, làm biến đổi cả phong cảnh đương thời và lối sống hiện đại của chúng ta. Ngày nay, chúng ta trở nên quá phụ thuộc vào dầu, và dầu cũng gắn bó quá mật thiết với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, đến nỗi hiếm khi chúng ta dừng lại để cảm nhận hết tầm quan trọng bao trùm của nó.

Chính dầu đã biến mọi việc thành có thể – nơi chúng ta ở, cách chúng ta sinh sống, phương thức chúng ta đi làm hàng ngày hay đi du lịch, và thậm chí là nơi chúng ta có những mối quan hệ lãng mạn với người khác giới. Dầu là mạch sống của các cộng đồng khu vực ngoại ô. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là các thành phần không thể thiếu trong thuốc trừ sâu − loại thuốc đang chi phối nền nông nghiệp thế giới. Dầu đã khiến việc vận chuyển lương thực tới các thành phố lớn trên thế giới, nơi hoàn toàn không có khả năng tự cung tự cấp, trở nên dễ dàng. Dầu còn được dùng để sản xuất ra nhựa và các chất hóa học – cơ sở gây dựng nên nền văn minh đương đại, một nền văn minh có nguy cơ sụp đổ nếu các giếng dầu thế giới đột nhiên cạn kiệt.

Trong phần lớn thế kỷ này, việc con người ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ đã được gần như cả thế giới ngợi ca là một điều tốt lành, một biểu tượng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng thời kỳ hoàng kim đó của dầu mỏ không còn nữa. Cùng với sự phát triển của phong trào môi trường, các nguyên tắc cơ bản của xã hội công nghiệp đang đứng trước những thách thức to lớn; trong đó ngành công nghiệp dầu mỏ, trên mọi khía cạnh, bị săm soi, chỉ trích và phản đối nhiều nhất.

Cả thế giới đang tăng cường những nỗ lực hạn chế hoạt động đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu, than và khí đốt tự nhiên) do những hậu quả mà việc làm này gây ra: ô nhiễm không khí, mưa axit, suy thoái tầng ozone và nguy cơ thay đổi khí hậu. Dầu mỏ, mặc dù là một thành tố quan trọng của thế giới như chúng ta đều biết, hiện đang bị buộc tội là tác nhân chính khiến tình trạng suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng hơn.

Và ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn vẫn tự hào về những tiến bộ công nghệ cũng như về những đóng góp của nó cho việc hình thành thế giới hiện đại, bỗng ngơ ngác nhận thấy mình đang ở hàng ghế bị đơn với tội danh là mối đe dọa của các thế hệ hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, Con người hydrocarbon chưa hề có ý định sẽ từ bỏ chiếc ôtô, hay ngôi nhà ngoại ô của mình, hay những gì họ coi không chỉ là tiện nghi mà còn là thiết yếu đối với lối sống của họ. Các quốc gia đang phát triển cũng không đưa ra dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẵn sàng hy sinh các lợi ích của một nền kinh tế phát triển nhờ dầu mỏ để đổi lại những lợi ích về môi trường.

Hơn nữa, trước khi đưa ra bất kỳ ý tưởng nào về việc giảm tải lượng tiêu thụ dầu của thế giới, người ta cũng phải tính đến mức gia tăng dân số chóng mặt trong tương lai. Vào những năm 1990, dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ người – tức là so với đầu thập kỷ, cuối thập kỷ dân số sẽ tăng thêm 20% – trong đó, đa phần người dân trên thế giới sẽ vẫn tiếp tục đòi hỏi "quyền" được tiêu thụ dầu. Các chương trình nghị sự quốc tế về môi trường của thế giới công nghiệp sẽ được đem ra so sánh với quy mô phát triển dân số. Cùng lúc, trên diễn đàn quốc tế hiện đã nổi lên một trong những mâu thuẫn lớn và khó giải quyết của thập kỷ 1990 giữa một bên là sự ủng hộ việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, mạnh mẽ và ngày càng cao, và một bên là quyết tâm phát triển kinh tế, các lợi ích của Xã hội hydrocarbon và những lo lắng về vấn đề an ninh năng lượng.

Trên đây là ba chủ đề mà cuốn sách này đề cập. Bối cảnh là sân khấu toàn cầu. Đây là một biên niên sử về những sự kiện vĩ đại đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả chúng ta. Cuốn sách vừa nói về các thế lực kinh tế và công nghệ hùng mạnh và vô cảm, vừa nói về những chiến lược cũng như sự sắc sảo của các doanh nhân và chính khách.

Các nhân vật được cuốn sách nhắc tới là các nhà tài phiệt và doanh nhân của ngành công nghiệp dầu – trong đó đương nhiên phải kể đến ông vua dầu mỏ Rockefeller, ngoài ra còn có Henri Deterding, Calouste Gulbenkian, J. Paul Getty, Armand Hammer, T. Boone Pickens, và nhiều người khác. Đóng vai trò không kém phần quan trọng là những nhân vật như Churchill, Adolf Hitler, Joseph Stalin, Ibn Saud, Mohammed Mossadegh, Dwight Eisenhower, Anthony Eden, Henry Kissinger, George Bush và Saddam Hussein. Thế kỷ XX thật sự xứng đáng với danh hiệu "thế kỷ dầu".

Bên cạnh tất cả những mâu thuẫn và sự phức tạp của nó, vẫn luôn có một "sợi chỉ" xuyên suốt câu chuyện về dầu, một cảm giác nóng hổi hơi thở thời đại đối với cả những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu, đồng thời, có cả những tiếng vọng mạnh mẽ của quá khứ trong các sự kiện mới xuất hiện. Bên cạnh đó, đây còn là một câu chuyện về những cá nhân riêng lẻ, các thế lực kinh tế hùng mạnh, sự thay đổi trong công nghệ, những cuộc đấu tranh chính trị, mối mâu thuẫn quốc tế và, thật ra, là về những thay đổi vĩ đại.

Tác giả cuốn sách hy vọng thông qua việc nghiên cứu các hệ quả của sự phụ thuộc của thế giới vào dầu trên bình diện kinh tế, xã hội, chính trị và chiến lược, cuốn sách sẽ góp phần làm sáng tỏ quá khứ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn hiện tại và dự đoán tương lai.

Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Thời sự của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.

Thanh Thảo - Thuỳ Dương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận