Chủ động tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, kích cầu tiêu dùng nội địaBộ Công Thương: Đảm bảo ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa dịp Tết Tân Sửu |
Tổng mức bán lẻ có sự cải thiện rõ rệt
Tại cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra chiều 27/11, bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng Điều tiết cung cầu- Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin: thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 11/2020 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 11 có xu hướng tăng. Trong tháng 11, giá dầu thô có xu hướng tăng và đạt mức cao nhất trong 8 tháng trở lại đây. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI từ mức 36,81 USD/thùng (ngày 2/11) lên mức 44,91 USD/thùng (24/11). Giá đường giao kỳ hạn tại London có xu hướng tăng so với tháng trước, tăng từ mức 390 USD/tấn (30/10) lên mức 411,9 USD/tấn (18/11).
![]() |
Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm trái cây tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) |
Tại thị trường trong nước, các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn, một số mặt hàng như: Lương thực, đường, vật liệu xây dựng tăng nhẹ do nhu cầu tăng; một số mặt hàng thực phẩm (thịt lợn), phân bón giảm giá nhẹ do nguồn cung tăng; các mặt hàng nhóm năng lượng có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá thế giới.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11/2020 đạt 464.386 tỷ đồng, tăng 2,33% so với tháng trước, trong đó, các nhóm hàng đồ dùng thiết bị gia đình, dịch vụ, lữ hành có xu hướng phục hồi cao hơn các nhóm khác. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2020 đạt 4.590.702 tỷ đồng, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 6,22% với sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa thiết yếu. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 11 tháng năm 2020 vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- đánh giá, con số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11/2020 tăng 2,33% so với tháng trước cho thấy tổng mức bán lẻ có sự cải thiện rõ rệt.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình hình hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng… góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lũy kế từ 1/11/2020 đến 25/11/2020, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 8.976 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 13 tỷ đồng. Lũy kế từ 1/1/2020 đến ngày 25/11/2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 83.051 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 241 tỷ đồng.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, ước bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 3 nhóm mặt hàng giảm giá, 7 nhóm mặt hàng tăng giá và 1 nhóm mặt hàng ổn định. Dự báo, cả năm 2020 chỉ số CPI sẽ đạt 3,5- 3,6%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Liên quan đến mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là mặt hàng thịt lợn cuối năm, ông Phạm Văn Duy- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, nguồn cung thịt lợn tháng 10/2020 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019, tháng 11/2020 tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019, dần đáp ứng nhu cầu, giá về mức hài hòa giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài thịt lợn, nguồn cung thịt gia cầm và thịt bò cũng tăng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng dịp cuối năm. Hiện, Bộ cũng đang triển khai 1 loạt các vấn đề để kiểm soát dịch bệnh.
Kiểm soát thị trường, không để khan hàng sốt giá
Ông Trần Duy Đông nhận định, thời điểm cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn, niềm tin của người dân vào sự phục hồi kinh tế tăng; nhu cầu hàng hóa chuẩn bị Tết, nhu cầu dịch vụ ăn uống phục vụ liên hoan, cưới hỏi tăng; các yếu tố tác động về giá cả từ thị trường hàng hóa thế giới đang trong xu thế phục hồi.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện các đơn vị phân phối đã lên đơn hàng, tránh tình trạng thiếu hàng khan giá. "Năm nay, thực phẩm khá dồi dào, chúng ta không lo thiếu hàng. Về giá cả, sẽ có tăng nhưng không có đột biến", bà Hậu nói.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, ổn định và giảm giá thịt lợn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng…. xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại các địa phương.
Với sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương, sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ông Trần Duy Đông nhận định, cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối ổn định, đồng thời đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.