Năm 2020 được đánh giá là năm nhiều khó khăn cho hoạt động cung cấp điện bởi đầu năm, dịch bệnh Covid-19 khiến cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội và nắng nóng gay gắt vào các tháng mùa hè khiến lượng sử dụng điện cao hơn bình quân các năm rất nhiều lần. Trong khi đó, sản lượng huy động từ các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn do điều kiện thủy văn và lưu lượng nước về các hồ thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Chính vì vậy từ đầu năm đến nay các nhà máy nhiệt điện than luôn được huy động ở mức cao để bù đắp cho sản lượng thủy điện thiếu hụt.
![]() |
Năm 2020, TKV phấn đấu sản xuất 40,5 triệu tấn |
Tại buổi làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc về tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN, Ban Kỹ thuật – Sản xuất EVN cho biết, cuối năm 2019, các đơn vị của EVN đã thực hiện ký các hợp đồng than dài hạn và hợp đồng than năm 2020 với TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Trong đó 100% than TKV cấp cho các NMNĐ của EVN là than pha trộn, riêng NMNĐ Uông Bí duy trì cấp trung bình 48.000 tấn/tháng than sản xuất trong nước.
Đến thời điểm này tình hình cung cấp than của TKV cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN đã cơ bản đạt khối lượng theo các hợp đồng đã ký. Cụ thể, khối lượng than đã cấp đến hết ngày 31/8/2020 đạt 13,06 triệu tấn, bằng 97,97% tổng khối lượng 8 tháng đầu năm theo hợp đồng. Tổng công ty Đông Bắc đạt 4,95 triệu tấn, bằng 113,79% so với hợp đồng 8 tháng đầu năm.
Theo tính toán của EVN, khối lượng theo hợp đồng còn lại của các nhà máy khoảng 8,2 triệu tấn, có thể đáp ứng được nhu cầu vận hành tại các nhà máy từ nay đến hết năm 2020 và tồn kho chuẩn bị cho năm 2021.
Trong năm 2020, TKV phấn đấu sản xuất 40,5 triệu tấn; tiêu thụ 49 triệu tấn than. Đây là những chỉ tiêu rất cao và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao, diện khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa, kéo theo đó là chi phí sản xuất, giá thành than thành phẩm sẽ cao hơn, trong khi giá thành bán than vẫn phải tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo nguồn than cho nền kinh tế, đặc biệt cho sản xuất điện. Hơn nữa, giá than trên thế giới diễn biến khó lường, thậm chí, trong nhiều giai đoạn, dù giá than nhập khẩu khá cao song nguồn cung vẫn rất khó khăn nên đây cũng là thách thức không nhỏ đối với Tập đoàn TKV và các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2019, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2020, dù chưa tính toán đến tình huống dịch bệnh Covid-19, song TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã đưa ra những chỉ tiêu rất cụ thể bám sát nhu cầu than cho nền kinh tế, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện để không chỉ đảm bảo nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân mà quan trọng hơn là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành than đã đưa ra và quyết liệt thực hiện nhiều nhóm giải pháp lớn, trong đó, tập trung duy trì tốc độ tăng năng suất lao động và tiền lương cho người lao động; tăng cường tự động hóa, cơ giới hóa và tin học hóa các khâu từ điều hành, sản xuất, kinh doanh, sắp xếp mô hình tổ chức hợp lý tinh gọn, khoa học lực lượng lao động giữa các phòng, ban, phân xưởng, nhằm sử dụng thời gian lao động hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh than; triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của Tập đoàn trong các lĩnh vực... Nhờ đó, vừa đảm bảo đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đảm bảo mục tiêu cấp than cho sản xuất điện.
Cùng với đảm bảo sản lượng, lãnh đạo TKV cam kết trong năm 2021 sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại đảm bảo chất lượng than cấp cho các nhà máy điện của EVN được tốt nhất. |