Đảm bảo đủ hàng hóa, không để người dân nào không có Tết

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông tin lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết cho người dân, bên cạnh những vấn đề kinh tế xã hội khác.

Kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực

Tại buổi họp báo công bố kết quả phiên họp, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận một số nội dung chính, gồm Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và tình hình thực hiện Nghị quyết 01; Báo cáo về tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; và một số nội dung xây dựng các luật, pháp lệnh.

Đánh giá về kết quả tháng 1/2019, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2, nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018. Thế nên, trong tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp khó có thể tăng tốc mạnh.Tuy nhiên mức 7,9% là mức tăng IIP khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

\"dam
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ: Đảm bảo đủ hàng hóa, không để người dân nào không có Tết

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 1,7%.

Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, phải chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ động thái của các nước lớn trên thế giới, tình hình trong khu vực và thương mại quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ mới để chủ động xây dựng đối sách phù hợp không để bị động, bất ngờ. Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn, bứt phát hơn như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ cũng đã tập trung giải quyết vấn đề nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trên cơ sở báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý đưa ngay các nội dung cần tháo gỡ cho doanh nghiệp vào Nghị quyết phiên họp này. Theo Thủ tướng, chúng ta dứt khoát bảo vệ môi trường nhưng đồng thời cũng không lấy lý do đó để tạo thêm rào cản, chi phí vô lý cho doanh nghiệp. Nếu là các lô hàng rác thải ô nhiễm, vô chủ thì phải cương quyết ngăn chặn, xử lý, nhưng nếu là lô hàng phế liệu làm nguyên liệu đủ điều kiện, bảo đảm an toàn môi trường thì phải được thông quan, không để ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn, thực chất hơn năm 2018, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tạo chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

\"dam
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu

Không để người dân nào không có Tết

Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp là công tác tổ chức đón Tết cổ truyền cho nhân dân. Trên tinh thần quan tâm đến người có công, đối tượng chính sách, không để người dân nào bị thiếu đói.

Thủ tướng cũng cho rằng nhiệm vụ của các cấp các ngành, địa phương là tập trung lo Tết cho mọi người dân để bảo đảm Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm với tinh thần không để người dân nào không có Tết. Bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết, không để Tết thiếu hàng, sốt giá trước, trong và sau Tết. Cùng với đó cần tập trung quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là chống vận chuyển, đốt pháo trái phép. Trấn áp tội phạm, đẩy mạnh các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bên cạnh vui Tết và lo Tết cho người dân, cần lo sản xuất, đời sống kinh doanh, dịch vụ để đẩy mạnh phát triển, để ngay sau Tết bắt tay ngay vào việc, không được chậm trễ, chểnh mảng, kể cả cơ quan hành chính, dịch vụ. Hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội trong dịp Tết và sau Tết.

\"dam
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời thẳng thắn và thoả đáng các câu hỏi của phóng viên

Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời thoả đáng các câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề quy định sử dụng xe công, tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp; quản lý lễ hội, chuyển mạng giữ số điện thoại, nghiên cứu mô hình nghỉ Tết của Singapore...

Đình Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận