Tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng hóa
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Với tâm lý lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, có thể người dân sẽ đến các Trung tâm thương mại, Siêu thị mua số lượng lớn hàng hóa nhu yếu phẩm để dùng dần ảnh hưởng đến cung cầu thị trường hàng hóa.
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhằm góp phần cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã ban hành văn bản chỉ đạo số 584/SCT-QLTM ngày 19/5/2021, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, Chợ trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ người tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh.
![]() |
Hàng hóa được các siêu thị, trung tâm thương mại nhập về đầy ắp trên các kệ hàng, ngoài ra các đơn vị này còn tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế |
Đồng thời yêu cầu các đơn vị cung ứng hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh căn cứ Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Phương án bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu để ứng phó dịch Covid-19 trên địa bàn Đắk Lắk, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa theo các cấp độ ứng phó để phục vụ người dân trong thời gian chống dịch bệnh.
“Trường hợp có khó khăn vướng mắc và đề nghị ngân sách hỗ trợ trong điều kiện cần thiết, đề nghị các đơn vị báo cáo, đề xuất kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, xử lý” ông Khôi chia sẻ.
Đảm bảo hàng hóa thiết yếu
Theo ghi nhận tại các điểm mua sắm, những ngày sau khi có thông tin về dịch bệnh, việc mua sắm của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng tích trữ và khan hiếm hàng hóa.
Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, hàng hóa được siêu thị nhập về đầy ắp trên các kệ hàng. Trong đó, chú trọng bổ sung kịp thời nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, trứng, mắm, dầu ăn, gạo, thịt hộp, nước rửa tay, nước sát khuẩn… Về giá bán ra vẫn được siêu thị giữ ổn định như ngày thường, tuyệt đối không có tình trạng “sốt" giá. Ngược lại, còn có nhiều mặt hàng đang nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50% để hỗ trợ khách mua sắm.
Theo ghi nhận tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh những ngày qua, lượng khách đến mua sắm có giảm hơn so với trước, nhưng giá trị các đơn hàng lại tăng lên. Các siêu thị cũng đang đẩy mạnh dịch vụ giao hàng miễn phí tận nhà cho khách hàng trong bán kính 6 km. Việc “đi chợ qua điện thoại” do siêu thị triển khai được nhiều khách lựa chọn. Hàng hóa được người dân mua nhiều nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Đắk Lắk đã lên phương án bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu. Trong đó có ba nhóm hàng: lương thực, thực phẩm và thực phẩm tươi sống, gồm: gạo tẻ, muối, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến khô, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau, củ, quả... được tập trung dự trữ với mức tăng từ 5 - 10% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Riêng 7 doanh nghiệp lớn của tỉnh đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tham gia bình ổn, sẵn sàng phục vụ nhân dân mua sắm trong đợt dịch với tổng trị giá 68,5 tỷ đồng.
Ngành Công Thương Đắk Lắk cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trên thị trường. Cùng với chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, khuyến khích phát triển hình thức bán hàng online, hạn chế việc tập trung đông người.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)