Đại biểu Quốc hội kỳ vọng kinh tế sẽ sớm hồi phục nếu đạt được miễn dịch cộng đồng

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân, khi có vắn xin Việt Nam chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Điều quan trọng hơn nữa, nếu đạt được miễn dịch cộng đồng thì kinh tế của nước ta sẽ sớm hồi phục và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế

Khuyến khích sự năng động, sáng tạo, chủ động của các địa phương

Thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 26/7 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho biết, về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 ông thống nhất nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, năm 2019 là năm chúng ta đạt được nhiều thành tựu nhất, toàn diện nhất từ lúc mà rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta tăng trưởng trên 7%.

“Nhờ vậy mà chúng ta đảm bảo được các khoản cân đối lớn của nền kinh tế. Chúng ta kiểm soát được lạm phát, thặng dư nhiều cán cân thanh toán, kể cả về cán cân thương mại chúng ta xuất siêu 10,9 tỷ USD” – đại biểu Ngân cho hay.

Về ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các khoản chi, đồng thời chỉ rõ, trong năm 2019 tổng thu ngân sách tăng thêm 10,1% và chi ngân sách kéo giảm thêm được 6,5%. Thu tăng và chi giảm, mà bội chi ngân sách từ 3,6% GDP xuống còn có 2,67% GDP. Do đó, kéo giảm được nợ công ngay đầu giai đoạn là 63,7 thì đến 2019 chỉ còn có 55% GDP.

“Đây là những nỗ lực mà chúng tôi thấy rằng cần phải tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, bên cạnh đó nêu rõ, trong Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại trong vấn đề thực hiện ngân sách năm 2019 như là vấn đề về nợ thuế, vấn đề thất thu thuế hay vấn đề về kê khai thuế hoặc là những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có những quy định chúng ta chậm.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh)

Liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu Ngân cho hay, với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả, đi kèm theo đó là những quy định về thể chế, định mức tiêu chuẩn, chế độ ban hành nhiều văn bản, cho nên năm 2020 việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta cũng có những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn một số tồn tại trong liên quan vấn đề mua sắm tài sản công hay là vấn đề về cải cách hành chính, vấn đề tinh giản biên chế các khoản định mức chưa sát với thực tế.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thứ nhất chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền và đặc biệt là công tác giáo dục về ý thức, về trách nhiệm trong việc là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ hai là thể chế phải chặt chẽ, khả thi hơn, phân công phân cấp rõ ràng và lành mạnh.

“Tôi nghĩ rằng, trong các tiết kiệm đó thì tiết kiệm thời gian là tiết kiệm quan trọng nhất” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn định.

Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng rất đồng tình với Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Đặc biệt trong tình hình đang có dịch Covid-19 thì vấn đề giãn cách làm hạn chế việc đi lại thì việc phân cấp lại càng có ý nghĩa. Đi kèm theo đó là vấn đề nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm.

“Chúng ta cần khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tính chủ động của các địa phương. Qua dịch Covid-19 vừa rồi chúng ta thấy rằng phương châm 3 tại chỗ, 4 tại chỗ, 5 tại chỗ, khi phân cấp, phân quyền cho các địa phương thì công tác hiệu quả hơn” - đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

Tự chủ vắc xin Việt Nam cần phải nhanh hơn, sớm hơn

Tại nghị trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ trăn trở khi tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, biến thể Delta lây lan rất nhanh khiến số lượng ca nhiễm, ca tử vong ngày càng tăng cao.

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa là cần thiết, nhưng ông cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo đại biểu Ngân, trước sự lây lan nhanh của biến thể Delta, đòi hỏi chúng ta phải nhanh hơn, phải sớm hơn nữa, làm sao sớm có vắc xin Việt Nam, phải tự chủ được vắc xin Việt Nam. Khi có vắc xin Việt Nam chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Thứ nhất, sẽ bảo vệ được tính mạng nhân dân một cách an toàn; thứ hai, tạo được miễn dịch cộng đồng; thứ ba, sẽ góp phần giảm cách ly, phong tỏa.

“Đây là biện pháp buộc chúng ta phải làm trong giai đoạn ngắn hạn, nhưng về dài hạn chúng ta phải nghĩ đến phương án miễn dịch cộng đồng. Điều quan trọng hơn nữa, nếu đạt được miễn dịch cộng đồng thì kinh tế của nước ta sẽ sớm hồi phục và phát triển” - đại biểu Ngân nói.

Do đó, theo đại biểu Ngân, chỉ tiêu quan trọng nhất của năm nay, bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, thì thêm chỉ tiêu rất quan trọng quan trọng nữa là chỉ tiêu về tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin, giảm tối đa số ca tử vong.

“Để giải quyết được chỉ có vắc xin thôi, nếu ta cứ chờ đợi vắc xin nhập về, trong khi các nước tính toán tiêm mũi thứ 3, sẽ càng khó khăn trong tiếp cận vắc xin”, đại biểu Ngân bày tỏ lo lắng và cho rằng cần nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Nhắc đến hai sản phẩm vắc xin trong nước đang được nghiên cứu, thử nghiệm là Nanocovax và Covivac, đại biểu Ngân cho rằng: “Trí tuệ của con người Việt Nam rất tuyệt vời”.

Đại biểu Ngân cho biết, ông đã tìm hiểu qua các nguồn thông tin thì được biết hiện vắc xin Nanocovax đang tiến hành thử nghiệm với sự tham gia của hội đồng khoa học, hội đồng y khoa để đẩy nhanh quá trình có vắc xin Việt Nam.

Các cấp, các ngành cũng tham gia tích cực để sản phẩm được nghiên cứu, thử nghiệm thành công, như việc Thủ tướng trực tiếp đến công ty, động viên thêm nguồn lực để tháo gỡ sản xuất.

Theo đại biểu này, nếu hội đồng khoa học, hội đồng Y khoa, hội đồng Y đức và mời thêm những chuyên gia nước ngoài để thẩm định, nếu thấy vắc xin an toàn thì có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vắc xin Việt Nam. Và khả năng sản xuất có thể đạt tới 7-7,2 triệu liều/tháng.

Đỗ Nga - Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận