Thông tin từ Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Đà Nẵng 3 tháng đầu năm giảm 14,95% so với quý IV/2019, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 13,46%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,75%.
![]() |
Sản xuất thiết bị, đồ bảo hộ y tế tăng mạnh do dịch Covid - 19 |
Điểm sáng của sản xuất công nghiệp Đà Nẵng 3 tháng đầu năm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 37,29%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 42,47%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 60,91%, và sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 91,78%.
Ngược lại, rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, trong đó, có những ngành công nghiệp chủ lực của Đà Nẵng, IIP hầu như không tăng hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ như may mặc (IIP giảm 36,1% so với cùng kỳ 2019), sản phẩm điện tử (IIP giảm 20,4%), khai khoáng (IIP giảm 13,46%)….do tác động tiêu cực của dịch Covid – 19.
Các ngành sản xuất như may mặc, da giày, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Trung Quốc triển khai kiểm soát chặt biên giới và các dòng lưu thông hàng hóa nên đa số gặp khó khăn ở nguyên liệu đầu vào.
Tại nhiều doanh nghiệp may mặc lớn như Công ty TNHH may mặc Ba Sao, Công ty CP Dệt may 29/3, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ…. phụ thuộc từ 30 – 50% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp dệt may đã bị đối tác nước ngoài hủy đơn hàng do không đảm bảo tiến độ giao hàng, không đảm bảo số lượng sản phẩm như Công ty Dacotex, Công ty CP Dệt may Hòa Khánh.
Bên cạnh dệt may, những ngành sản xuất chủ lực khác của Đà Nẵng như sản xuất lắp ráp ô tô (nhà máy TCIE), sản xuất linh kiện điện/ điện tử, sản xuất cao su cũng “đứng bánh” do hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao.
Khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, phần lớn các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân nhưng giảm thời gian làm việc nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang cố gắng chống đỡ, nếu tình hình không tiến triển tốt hơn thì sẽ không đủ các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất.
Tình hình tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp công nghiệp có xu hướng chậm lại, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 3/2020 giảm 2,93% so với kỳ cùng ăm trước. Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ ước tăng 3,19% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho tăng mạnh, đến cuối tháng 3/2020 chỉ số tồn kho tăng đến 40,35% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục giảm. Các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân nhưng không tăng ca làm việc vì tiêu thụ hàng chậm. Hiện tượng sụt giảm lao động vẫn sẽ còn tiếp diễn bởi các doanh nghiệp đang rất khó khăn đảm bảo việc làm cho người lao động trong các tháng tiếp theo trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang rất phức tạp. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may đã thực hiện giảm bớt một số lao động, hiện đã có doanh nghiệp (2.000 lao động) tính đến đóng cửa tạm thời nếu tình hình trong quý II/2020 không khả quan lên, vấn đề thông quan hàng hóa, nguyên liệu không được giải quyết.
![]() |
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Đà Nẵng đang nỗ lực đảm bảo việc làm và chế độ cho người lao động |
Theo điều tra của Cục Thống kê Đà Nẵng về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy, có tới 57% doanh nghiệp đánh giá gặp nhiều khó khăn hơn so với quý IV/2020. Và có tới 57% doanh nghiệp cho rằng tình hình sẽ tiếp tục khó khăn và khó khăn hơn .
Xu hướng chung của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là cố gắng tìm kiếm nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu trong nước để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid – 19.