Doanh nghiệp miền Trung chưa quan tâm đến Hiệp định tạo thuận lợi thương mại |
Ngày 3/12, TP. Đà Nẵng ra mắt Ban chỉ đạo Tạo thuận lợi thương mại do Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn làm trưởng ban; Phó trưởng ban thường trực là Giám đốc Sở Công Thương thành phố - bà Lê Thị Kim Phương, các phó trưởng ban khác là Đại diện Cục Hải quan, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng).
![]() |
Việc thành lập Ban chỉ đạo tạo thuận lợi thương mại TP. Đà Nẵng nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệp định TFA tại thành phố có hiệu quả |
Việc thành lập Ban chỉ đạo tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội nêu lên những bất cập, tìm ra giải pháp phù hợp trong thủ tục xuất khẩu; nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý về quy định, chính sách; thúc đẩy quản lý, thực thi ở địa phương từ đó vận động chính sách với cơ quan trung ương để giải quyết vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn mong muốn thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hòa Kỳ (USAID), sự vào cuộc của các sở ngành, sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp việc thực hiện các thủ tục thông quan tại TP. Đà Nẵng nhanh gọn hơn, giảm chi phí về thời gian, để hàng hóa qua cảng Đà Nẵng thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, góp phần nâng cao các chỉ số thành phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của TP. Đà Nẵng. Đồng thời cho biết, việc triển khai các hoạt động của Dự án Tạo thuận lợi thương mại được thành phố đánh giá cao và đưa vào một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm khôi phục kinh tế thành phố sau Covid-19. “Đây là diễn đàn để các đơn vị doanh nghiệp TP Đà Nẵng đưa ra giải pháp thúc đẩy, thay đổi tiêu chí hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí không cần thiết trong lúc dịch bệnh còn phức tạp. Đồng thời, góp phần cải cách hành chính, gỡ bỏ những rào cản mang tính “giấy phép con” đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Bình – Cố vấn thương mại - Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA), Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai các cam kết của Hiệp định.
Một trong những giải pháp để thúc đẩy thực thi TFA là xây dựng các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ở cấp địa phương, để có thể là cánh tay nối dài, phản ánh các bất cập trong quá trình thực thi các chính sách, quy trình xuất nhập khẩu cũng như đánh giá các biện pháp tạo thuận lợi thương mại của Trung ương tại địa phương, và đề xuất các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại.
Ý tưởng này được USAID ủng hộ và Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (USAID TFP) ra đời, lựa chọn 6 địa phương thực hiện thí điểm. “TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương áp dụng thí điểm cơ chế này nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong địa bàn phát triển kinh doanh, khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới việc kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa”, bà Bình nói và kỳ vọng thông qua dự án, TP. Đà Nẵng sẽ trở thành một hình mẫu tích cực về cơ chế tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương cho các tỉnh khác học tập.
![]() |
Dự án USAID TFP kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng thuận lợi hơn khi thực hiện thông quan hàng hóa |
Các hoạt động dự kiến sẽ được triển khai tại TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ dự án USAID TFP gồm các chương trình hội tảo, tập huấn về quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); các hoạt động liên quan đến phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới; các quy định về chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp….
Sau khi ra mắt, Ban chỉ đạo đã tiến hành kỳ họp lần thứ nhất thông báo Kế hoạch triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo, thông tin về hoạt động của Dự án USAID TFP và đặc biệt là tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng chính từ Dự án về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
Dự án USAID TFP với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD, thời gian thực hiện trong 5 năm (2018 – 2023).Mục tiêu của Dự án là loại bỏ những bất cập trong thủ tục thông quan, hỗ trợ áp dụng và triển khai cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro tại các cơ quan Hải quan và Quản lý chuyên ngành của Việt Nam đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK), từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngoài Đà Nẵng, 5 địa phương còn lại được lựa chọn thực hiện thí điểm việc thành lập Cơ chế Tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Đồng Nai.