Biên độ lợi nhuận thấp
Liên tiếp những tuần qua, giá xăng dầu trong nước đang giảm sâu, ở mức thấp kỷ lục trong hơn 20 năm qua với 8 lần giảm giá liên tiếp, tổng cộng giảm hơn 5.000 đ/lít. Hiện giá xăng dầu tại thị trường đang ở mức thấp kể cả đợt điều chỉnh tăng ngày 13/5. Việc xăng dầu trong nước giảm xuống thấp đã tác động tích cực tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là ngành giao thông vận tải.
Sau thời gian được hưởng ưu đãi từ việc xăng giảm giá, đa số người dân cho biết, họ cảm thấy thoải mái mỗi khi đổ xăng và phần nào bớt đi gánh nặng chi phí cho việc chi tiêu hằng ngày. Anh Nguyễn Huy Thịnh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Bình thường một tháng nhà tôi có 1 xe ô tô và 2 xe máy cũng tốn 5 triệu tiền xăng, tuy nhiên nay cả gia đình chỉ mất 2 - 2,5 triệu đồng. Nhờ giảm thiểu chi phí đổ xăng giúp gia đình tôi tiết kiệm một khoản để bù thêm vào tiền mua sữa cho con trong thời buổi khó khăn của dịch bệnh”.
![]() |
Nhờ việc xăng giảm giá, nhiều người cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi đổ xăng |
Tuy nhiên, anh Thịnh cho biết thêm, những tưởng xăng giảm thì nhiều mặt hàng cũng sẽ giảm theo nhưng thực tế, giá cả các loại hàng hóa chưa có nhiều thay đổi. Trong đó, giá cước dịch vụ vận tải vẫn giữ nguyên.
Cũng theo nhiều người đánh giá, xăng dầu giảm là cơ hội “ăn nên làm ra” của ngành giao thông vận tải (GTVT), tuy nhiên, có thể thấy rõ nghịch cảnh với ngành GTVT hiện nay là mặc dù giá xăng giảm, giá cước không thay đổi, nhưng doanh thu lại ở mức âm.
Là chủ doanh nghiệp vận tải với hơn 400 đầu xe, anh Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải TM&DV Đất Cảng - cho biết, mặc dù dịch vụ vận tải của công ty đã được hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, với số lượng đầu xe tham gia 50-60%. Tuy nhiên, do vẫn còn trong thời gian nới lỏng giãn cách, nhu cầu đi lại của người dân vẫn hạn chế, do đó, doanh thu thấp dẫn tới biên độ lợi nhuận vẫn thấp. Hiện doanh thu của công ty vẫn sụt giảm từ 60-70%.
Bên cạnh đó, anh Hải cũng cho biết, thực tế giá xăng giảm chưa thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi. Mặc dù thời gian qua giá xăng thấp nhưng lợi nhuận chưa tương xứng với các chi phí cố định phải bỏ ra, như các loại thuế phí, bảo trì bảo dưỡng... “Việc chúng tôi quan tâm lúc này là triển khai các gói kích cầu sau dịch và tìm cách giữ chân người lao động”, anh Hải chia sẻ thêm.
![]() |
Mặc dù giá xăng giảm sâu, tuy nhiên chưa thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về lý do vì sao giá xăng dầu giảm giá nhưng giá cước vận tải vẫn “đứng im”, anh Nguyễn Văn Xang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phát Khánh, chuyên hoạt động trong lĩnh vực taxi công nghệ cho biết, giá xăng dầu tăng giảm đều có sự điều chỉnh nhưng phải có thời gian, tùy tình hình ổn định của thị trường, dịch vụ vận tải sẽ dần có sự điều chỉnh tương ứng.
Theo anh Xang: “Giá taxi hiện nay bình quân từ 10.000 đ/km và mức giá này đã duy trì 5-6 năm nay. Có những thời điểm giá xăng tăng cao, tuy nhiên các hãng dịch vụ vận tải vẫn giữ giá ổn định trong kiểm soát đảm bảo nhu cầu của người dân. Trong khi thực tế do ảnh hưởng của dịch doanh nghiệp của tôi vẫn đang lỗ 50-60%”.
Tận dụng thời cơ tích trữ
Theo dự báo của nhiều hãng vận tải, giá xăng sẽ tăng theo mức độ khả quan của dịch trong những phiên tới, tuy nhiên, tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ vẫn còn khó khăn đến hết năm nay.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, giá xăng dầu tác động quan trọng đến chi phí vận tải, khi giá xăng dầu xuống cũng là một trong những điều kiện có thể điều chỉnh giá cước vận tải xuống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải vừa ra bước qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19 và đang hình thành trạng thái bình thường mới. Trong khi khả năng giá xăng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nên việc điều chỉnh cũng cần phải có lộ trình.
“Trong khi đó, ngành giao thông vận tải đang chịu tác động bởi hai chiều thuận và nghịch. Dù xăng dầu giảm, tuy nhiên chi phí bình quân trên sản lượng tăng trong khi công suất sử dụng phương tiện chỉ chiếm 50%. Do đó, hiện các đơn vị vận tải, kể cả vận tải khách, vận tải hàng không hiện vẫn chưa thể tính tới lợi nhuận. Nói một cách đại thể trong điều kiện hiện nay, các đơn vị vận tải duy trì giá cước vẫn lỗ, chưa có lãi”, ông Quyền cho biết.
![]() |
Theo một nhân viên đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, sau thời gian giãn cách, lượng xe lưu thông có nhiều hơn nhưng chỉ chiếm 30-40%, do đó sản lượng xăng dầu tiêu thụ vẫn thấp |
Đánh giá về việc vì sao giá xăng giảm mà nhiều mặt hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc giảm giá hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Trong khi, ngành GTVT vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa có sự điều chỉnh kịp thời. Việc giá cước vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày đều được các nhà sản xuất, nhà phân phối hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng. Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết, hiện dịch đã phần nào được kiểm soát, các nước bắt đầu khôi phục kinh tế trở lại. Tuy nhiên, do dư âm của dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục chậm và dự kiến giá xăng dầu sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới. Do đó, đây là cơ hội không chỉ tốt cho nền kinh tế Việt Nam mà còn đặc biệt có lợi cho ngành GTVT nếu biết tận dụng nguồn xăng dự trữ tốt.
Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, hôm nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 13/5. Với việc giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tăng mạnh, khoảng 26%, trong kỳ điều hành từ ngày 28/4, giá xăng hôm nay được dự báo sẽ được điều chỉnh tăng mạnh từ 800 - 1.200 đồng/lít. |