Cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Bao giờ sôi động trở lại?

Không còn những đoàn xe nối dài chờ thông quan hay hình ảnh hải quan, biên phòng tất bật kiểm tra, kiểm soát…, Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) những ngày tháng 7 vắng vẻ, hiu hắt đến ngỡ ngàng.
\"\"

Những ngày đầu tháng 7 Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) đón chúng tôi với thời tiết chợt nắng, chợt mưa đặc trưng của mùa mưa Tây Nguyên. Thời điểm này năm ngoái, ngày nào CKQT Bờ Y cũng tấp nập xe qua lại (trung bình khoảng 200 xe/ngày), thì giờ đây, lâu lâu mới có 1- 2 chiếc xe khách qua cửa khẩu, xe tải chở hàng càng hiếm.

Một cán bộ hải quan chia sẻ, ngày này năm ngoái, 25 cán bộ của Chi cục Hải quan làm tối ngày không hết việc. Mấy tháng trở lại đây, nhiều người đi học nâng cao nghiệp vụ, chi cục còn lại 10 người mà nhiều lúc cũng... khổ vì nhàn rỗi, bởi cả xe thương mại và phi thương mại qua cửa khẩu chỉ xấp xỉ 1.000 xe/tháng. Riêng xe khách qua lại cửa khẩu đã giảm từ 20-30 xe/ngày xuống còn 5-7 xe/ngày. Nguyên nhân là một số công trình thủy điện của Lào do công nhân Việt Nam thi công đã hoàn thành; công nhân trồng, chăm sóc cao su cũng đã rút bớt về nước khá nhiều...

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Bờ Y Vũ Huy Thắng cho hay: Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào có hiệu lực từ ngày 1/6/2016, nhưng đến nay vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể. Thực tế, nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Lào qua CKQT Bờ Y là gỗ, nhưng tháng 8/2015, Lào đã có quy định cấm xuất khẩu gỗ tròn, ngày 27/5/2016, Lào tiếp tục cấm xuất khẩu gỗ xẻ, gỗ hộp, gỗ lạng các loại. Mới đây, UBND tỉnh Attapư (tỉnh biên giới giáp CKQT Bờ Y) lại tiếp tục cấm nhập khẩu 15 mặt hàng lương thực, thực phẩm từ Việt Nam như: Bia, rượu, thị heo, trâu, bò, rau, gạo, gà vịt... Kim ngạch xuất nhập khẩu qua CKQT Bờ Y theo đó “xuống dốc không phanh”.

“Không ít doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đang khốn đốn, có nguy cơ bị phá sản do mua gỗ bên Lào, nhưng nay vướng quy định mới của nhà nước Lào nên không thể mang gỗ về Việt Nam” - ông Thắng nói.

Về việc UBND tỉnh Attapư cấm nhập khẩu 15 mặt hàng lương thực, thực phẩm từ Việt Nam, ông Thắng cho rằng, quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến lượng hàng hóa qua cửa khẩu mà thực tế đang tác động rất lớn đến người dân ở Attapư, trong đó có rất nhiều công nhân Việt Nam. Chính vì vậy, việc sớm gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Kon Tum và Attapư để tìm giải pháp cho vấn đề này đang được người dân mong mỏi.

Trở về thăm gia đình sau cả tháng làm công việc chăm sóc cao su ở Attapư, chị Y Diễm (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thông tin: Do hàng hóa khan khiếm, nên giá lương thực, thực phẩm ở Attapư đang tăng chóng mặt, từ con gà, quả trứng, đến mớ rau đều tăng 3-5 lần so với khi chưa có lệnh cấm nhập khẩu 15 mặt hàng lương thực, thực phẩm từ Việt Nam...

Câu chuyện buồn về thực trạng xuất nhập khẩu lèo tèo qua CKQT Bờ Y giữa chúng tôi với lãnh đạo Chi cục Hải quan CKQT Bờ Y tạm dừng lại khi thấy đoàn xe tải lớn xếp hàng chờ thông quan. Theo ông Thắng, đó là đoàn xe tải của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang chở đường và mật mía từ Lào về Việt Nam, theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào, đường mía do HAGL nhập khẩu về Việt Nam được sản xuất theo dự án mà HAGL đầu tư tại tỉnh Attapư có thuế suất bằng 0%. Cửa khẩu chẳng thu được gì.

Thực tế, tính đến hết tháng 6, thu ngân sách của CKQT Bờ Y mới đạt hơn 37 tỷ đồng. Với chỉ tiêu thu ngân sách giao năm 2016 là 310 tỷ đồng, có thể khẳng định đây thực sự là “nhiệm vụ bất khả thi” của Chi cục Hải quan CKQT Bờ Y trong năm 2016” - ông Thắng khẳng định.

6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua CKQT Bờ Y đạt 86.710.770,87 USD. Trong đó, xuất khẩu 33.323.319,10 USD, nhập khẩu 53.387.451,77 USD - giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015.
Quỳnh - Mai
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận