Thực tế, việc cấm trồng cây thuốc phiện cũng như hình phạt cho hành động vi phạm này đã được phổ biến, tuyên truyền đến hầu hết các địa phương từng trồng cây thuốc phiện như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Đắk Lắk, Kon Tum… Vậy nhưng, do nhu cầu sử dụng thuốc phiện tại chỗ vẫn còn (chủ yếu là đối tượng người lớn tuổi, người già có thâm niên nghiện hút đã nhiều năm) nên nhiều hộ vẫn lén lút trồng xen giữa những nương rẫy ở nơi thưa vắng.
![]() |
Cuộc sống bình yên đã trở lại với xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) khi tệ nạn ma túy được đẩy lùi |
Bên cạnh đó, đến nay, cây, quả và nhựa thuốc phiện vẫn là mặt hàng được một số người tìm mua với giá cao. Vì vậy, nhiều người đã bất chấp pháp luật, tiếp tục tổ chức trồng cây thuốc phiện ở những vị trí ít người qua lại để bán kiếm lời.
Trước tình hình này, thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các địa phương – đặc biệt là các tỉnh miền núi – tiếp tục thực hiện và đổi mới các giải pháp để ngăn chặn tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây thuốc phiện); đồng thời mở nhiều đợt vận động bà con nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy. Song song với đó, lực lượng công an, biên phòng thường xuyên sử dụng nghiệp vụ để tổ chức xóa, nhổ; lập các tổ công tác kiểm tra, phát hiện, triệt phá diện tích tái trồng… Nhờ đó, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy tiếp tục được kiềm chế.
Riêng trong năm 2019, toàn quốc đã phát hiện và triệt phá được 28.052 m2 diện tích trồng cây có chứa chất ma túy (giảm 21.598 m2 so với năm 2018). Tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu (6.754 m2), Điện Biên (193 m2), Sơn La (20.000 m2), Cao Bằng (1.049 m2), Lào Cai (triệt phá 1.100 cây thuốc phiện); Bộ Quốc phòng phá nhổ 2.386 m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện và 500 m2 diện tích trồng cây cần sa…
Mặc dù diện tích tái trồng cây thuốc phiện giảm nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Tại một số địa phương, tình hình trồng cây có chứa chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi cả về đối tượng, phương pháp, địa bàn trồng. Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện và sử dụng các sản phẩm ma túy… thì việc quy hoạch, lựa chọn được các loại cây trồng thay thế là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các tỉnh từng diễn ra tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn chưa xây dựng được vùng dự án hỗ trợ chuyển đổi cụ thể; mà chủ yếu sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án được giao hỗ trợ theo quy hoạch, kế hoạch của ngành nông nghiệp như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo, các dự án khuyến nông, khuyến lâm để thực hiện…
Theo đó, để cây thuốc phiện bị loại bỏ một cách triệt để, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình tái trồng cây thuốc phiện. Đặc biệt, các bộ, ban, ngành liên quan cần có chiến lược dài hơi giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao; lồng ghép chương trình, dự án tập trung vốn cho các xã, vùng trọng điểm tái trồng để bà con chuyển đổi kế sinh nhai. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân… Bởi chỉ khi có đủ thông tin, có kiến thức, bà con mới hiểu rõ tác hại của cây có chứa chất ma túy; từ đó tự nguyện nói “không” với loại cây trồng nguy hiểm này.