Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đổi mới công tác nữ công

Vượt qua khó khăn, hoạt động công tác nữ công ngành Công Thương năm 2021 có nhiều điểm sáng tích cực, góp phần quan trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động (NLĐ) và trẻ em.

Bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) - cho biết: Trong 2 năm vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ CĐCTVN, các hoạt động công tác nữ công ngày càng được khẳng định, đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, NLĐ và trẻ em.

Nhiều hoạt động nữ công được công đoàn cơ sở tổ chức, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nữ đoàn viên, NLĐ

Xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu thực tế của nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), các cấp công đoàn đã luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nữ công, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, tạo điều kiện để tổ chức tốt hoạt động về giới trong nữ CNVCLĐ. Theo đó, công tác tuyên truyền luôn được các cấp công đoàn trong ngành chú trọng. Công đoàn cơ sở (CĐCS) thường xuyên tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, trọng tâm là những quy định riêng đối với lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2019 và các chính sách liên quan trực tiếp đến lao động nữ; tuyên truyền những quy định pháp luật liên quan về Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, phòng, chống bạo lực gia đình…

Công tác bảo vệ và chăm lo cho lao động nữ cũng được các cấp công đoàn ngành triển khai thường xuyên. Ban Nữ công quần chúng trong các CĐCS luôn chủ động tham mưu với Ban Chấp hành những vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ; vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, chăm sóc sức khỏe; tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ. Đặc biệt, phát huy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ. Từ đó, chủ động tham mưu với ban chấp hành công đoàn tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động; đề xuất với lãnh đạo đơn vị nhằm đưa các chính sách cho lao động nữ có lợi hơn quy định của pháp luật vào trong thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch CĐCTVN cho biết, công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các phong trào thi đua trong nữ đoàn viên, CNVCLĐ vẫn được duy trì và phát triển, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Điển hình, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã thu hút hàng nghìn lượt nữ đoàn viên CNVCLĐ tham gia. Công đoàn các cấp đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào; khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc như: Công đoàn Bộ Công Thương, Công đoàn Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Công đoàn Thuốc lá Việt Nam, Công đoàn Xăng dầu Việt Nam...

Bằng hoạt động nữ công cụ thể, Ban Nữ công quần chúng các cấp CĐCS đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, trở thành địa chỉ tin cậy cho nữ đoàn viên, NLĐ, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Bà LÊ THỊ ĐỨC - Phó Chủ tịch CĐCTVN:

Năm 2021, CĐCTVN đã cung cấp 200 cuốn sổ tay công tác nữ công làm tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn triển khai thực hiện tại các đơn vị trong ngành.

Hoàng Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận