Công đoàn cơ sở là hạt nhân

Các công đoàn cơ sở (CĐCS) không chỉ phát huy tốt vai trò, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp (DN) mà còn là hạt nhân đi đầu thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
\"\"
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập huấn phòng cháy chữa cháy

Điển hình trong công tác này phải kể đến các CĐCS như: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Cổ phần Dây lưới thép, Công ty Cổ phần May sông Hồng…

Tại hội nghị về “An toàn - Sức khỏe - Môi trường” ngành Dầu khí diễn ra mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng đã khẳng định: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống “văn hóa an toàn” là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác an toàn, sức khỏe và môi trường của PVN. Để làm được điều này, CĐCS là hạt nhân đi đầu thực hiện công tác ATVSLĐ. Chính vì vậy, CĐCS phải luôn thực hiện đủ và tốt 10 vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của CĐCS với người lao động (NLĐ); trong đó, phải chú trọng từ tiến trình lên kế hoạch, quy định nội quy, quy trình, biện pháp…

Tại các đơn vị trong ngành Dầu khí, Chủ tịch và Ban Chấp hành Công đoàn sẽ đại diện cho tập thể NLĐ thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ NLĐ khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng lao động về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ; giám sát và yêu cầu thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cán bộ các công đoàn cũng có quyền kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời tuyên truyền, vận động NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động; yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Ngoài ra, CĐCS phải có trách nhiệm tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo thì CĐCS có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

Với phương châm “phòng hơn chống”, các CĐCS ngành Công Thương luôn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Đây chính là hoạt động thiết thực nhất để nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, các CĐCS ngành Công Thương tiếp tục chú trọng xây dựng, quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn tới từng tổ, đội lao động trực tiếp trên các công trường, nhà máy, giàn khoan, xưởng sản xuất, nơi làm việc... nhằm bảo đảm ATVSLĐ tối đa cho mỗi NLĐ.
Thanh Tâm
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận