![]() |
Một góc Côn Đảo phía Bến Đầm |
Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý (khoảng 180km), quần đảo này có nhiều địa danh tự nhiên độc đáo như Bãi Nhát, An Hải, Đầm Trầu, Hòn Bà, Hòn Tài… Cảnh quan Côn Đảo tự nhiên hoang sơ, đẹp và trong lành. Côn Đảo nổi tiếng thế giới và được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù kiên cố trước chiến tranh kèm theo những câu chuyện về sự can trường của người cộng sản như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu… . Nhờ đất trời còn đậm nét hoang sơ tự nhiên và dấu tích của “địa ngục” một thời, Côn Đảo ngày nay có sức hút mạnh mẽ đối với du khách phương xa và “thay da đổi thịt” từng ngày.
![]() |
Hệ thống nhà tù Côn Đảo có một súc hút mạnh mẽ đối với khách du lịch |
Ông Huỳnh Minh Sanh (Tám Sanh) nhớ lại, hồi Côn Đảo được giải phóng, toàn đảo chỉ mới có mấy chục gia đình, chủ yếu là con em bộ đội. Cho đến nay Côn Đảo có khoảng 8.000 nhân khẩu, cuộc sống trên đảo ngày càng phát triển ổn định nhờ hệ thống đường, trường, trạm, điện… được nhà nước đầu tư bài bản và nhờ giao thông thuận lợi đã kéo đảo gần lại với đất liền.
Côn Đảo ngày nay là huyện, nhưng không có xã, chỉ có 10 khu hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Toàn đảo có một khu chợ, một bến tàu, một nhà máy (nhà máy điện), dăm chục nhà nghỉ, riêng nghĩa trang thì rộng mênh mông.
Cô giáo tiểu học Trương Thị Khuyên cho biết, trước đây học sinh lên lớp 12 phải đợi ba đến bốn năm đủ người mới tổ chức được lớp học, ngày nay mỗi khóa cấp 3 có 2-3 lớp, nhiều người hiện đã tốt nghiệp đại học và trở lại đảo công tác, riêng trường cấp một, cấp hai thì đã quá tải học sinh.
![]() |
Một dự án điện mặt trời tại Côn Đảo đã đưa vào vận hành |
Trước đây điện là vấn đề trở ngại nhất ở Côn Đảo vì người dân phải trả tiền giá cao, vài năm nay giá điện từ nhà điện chạy bằng dầu được tính bằng giá đất liền nên cuộc sống sinh hoạt sáng sủa hơn hẳn. Theo Giám đốc Điện lực Côn Đảo Đào Văn Tranh, toàn Côn Đảo hiện nay có 2.000 đồng hồ điện, tuy ngành điện phải bù lỗ nhưng nhà máy đủ điện để cung cấp cho người dân sinh hoạt, kinh doanh. “Tại Côn Đảo sẽ có thêm một số dự án điện mặt trời, mục đích là để phát triển ngành du lịch, dịch vụ và thương mại trong tương lai”, ông Tranh nói.
Côn Đảo xung quanh là biển xanh nhưng thật lạ là nghề đánh cá, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề biển, nuôi trồng thủy sản lại rất ít người làm, dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ và canh tác nông nghiệp. Chủ bè cá hiếm hoi ở Côn Đảo nằm ở Bến Đầm mùa này bán đắt hàng các loại cá bớp, chình, ghẹ, tôm hùm là một người Côn Đảo mới toanh nhưng gia nhập đảo bằng lối cũ của nhiều người. Chủ bè cá tên Sang, quê ở Bến Tre, trước ông làm nghề chèo đò ở Côn Đảo, nay là chủ bè cá thu mua của các ngư dân khắp nơi mang đến bán và chính thức có hộ khẩu ở Côn Đảo. “Mỗi ngày bè cá cung cấp cho các nhà hàng trên đảo, khách du lịch mang vể chừng 300-500 ký hải sản, lấy công làm lời thôi”, ông Sang khoe công việc làm ăn của mình.
![]() |
Hàng hóa đưa từ đất liền ra đang được vận chuyển về trung tâm Côn Đảo |
Hướng dẫn viên hệ thống nhà tù Côn Đảo nói với tôi, mỗi năm khu di tích nhà lao đón khoảng 60.000 du khách, họ đến đây để chiêm nghiệm lại những dấu tích ngục tù và viếng nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương rộng 20ha và chia làm 4 khu, đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng từ năm 1862 đến năm 1975. Hàng đêm nghĩa trang Hàng Dương luôn sáng đèn và dòng người khắp nơi đổ về xếp hàng viếng mộ không ngớt.
Ngày trước, để ra được Côn Đảo chuyện tàu bè trần ai lắm, bây giờ thì đơn giản hơn rất nhiều. Đi Côn Đảo hiện không có hàng không giá rẻ, mà chỉ có Vietnam Airline độc quyền khai thác với tần suất 8-15 chuyến/ngày. Giá vé máy bay Sài Gòn - Côn Đảo dù đắt ngang ngửa Sài Gòn - Hà Nội nhưng muốn đi phải đặt trước vài tháng mà chưa chắc có vé.
Tàu thủy ra Côn Đảo trung bình 1 chuyến/ngày, tàu chở khoảng 300 người, hành trình 8-12 tiếng. “Đầu tháng 7 tới sẽ có tàu nhanh Côn Đảo - Sóc Trăng với hành trình chừng 3 tiếng, chắc chắn Côn Đảo sẽ đông thêm du khách thập phương”, một thuyền trưởng tàu khách Côn Đảo nói.
![]() |
Chuyến tàu Vũng Tàu - Côn Đảo khởi hành từ 5 giờ chiều chở 260 hành khách cập Bến Đầm vào lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau |
Mấy ngày làm lữ khách tôi nghiệm được người dân Côn Đảo sướng thật. Chợ Côn Đảo nhỏ xíu nhưng bán đủ thứ nhu yếu phẩm đều mang từ đất liền ra. Tiểu thương ở chợ hiền khô, không nói thách và thân thiện với khách thập phương như người nhà. Chúng tôi mua một ít bia, muối tiêu chanh, than củi đưa xuống thuyền câu. Cô bán hàng ở chợ Côn Đảo thật thà “mua đi anh, giá đắt gần gấp đôi trong đất liền, đừng trả giá mà tội nghiệp con tàu chở cả đêm ra”.
Chia tay Côn Đảo trở về đất liền, trong tôi miên man nỗi nhớ về địa danh lịch sử ghi đậm dấu tích anh hùng của những người chiến sỹ cộng sản trung kiên. Mong ước rằng trong sự phát triển hôm nay, Côn Đảo sẽ mãi giữ được vẻ đẹp hoang sơ, trong lành với những người dân có cuộc sống giản dị mà thật quá đỗi bình yên.