![]() |
Ảnh minh họa |
Khi thực phẩm bẩn tràn lan, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiến lược quảng bá đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng không bao giờ lạc hậu. Hiện tại, trên thị trường nước mắm, khi những từ “công nghiệp”, “hóa chất”, “gian lận”... như những đám lửa lan nhanh thành cháy rừng, nhiều doanh nghiệp tự xưng sản phẩm của mình là nước mắm truyền thống để mang tới cảm giác an toàn cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, vì sao Masan không thực thi chiến lược quảng cáo tương tự cách đây 10 năm, mặc dù Masan đủ tiềm lực tạo ra chiến dịch quảng cáo sâu rộng hơn bất kỳ một thương hiệu nước mắm nào khác?
Thực tế, từ rất lâu, Masan đã xây dựng nguồn nước mắm cốt khá lớn tại Phú Quốc, đến nay có gần 450 thùng ủ chượp 10.000 tấn cá, công suất 10 triệu lít mỗi năm, chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng nước mắm cốt. Phần còn lại, Masan phải mua từ nhiều cơ sở nước mắm nổi tiếng khác. Nước mắm cốt được vận chuyển tới nhà máy của Masan tại Bình Dương để pha chế, mang danh Chin-su, Nam Ngư. Vậy nước mắm của Masan có phải là nước mắm công nghiệp?
Câu chuyện có lẽ nằm ở tính rủi ro cao. Tuyệt chiêu marketing đánh vào nỗi sợ hãi có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, đặc biệt khi quảng bá không đúng sự thực, tạo nên khủng hoảng niềm tin. Những bài học “hạt nêm không bột ngọt” của Chinsu, chiến dịch “máy lọc nước Omega có thể ngăn ngừa mỡ máu” của Kangaroo... đã từng dính “gậy ông đập lưng ông” khi bị phát hiện gian dối, há chẳng đắt giá lắm sao?
Khủng hoảng niềm tin xảy ra tương tự cháy rừng, tốn công tốn của dập tắt vẫn để lại hậu quả lớn. Không thể mạo hiểm!