![]() |
Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm cùng Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush (tháng 6/2005) |
Ngày 28/9/1988, Đoàn đại diện thương mại Việt Nam tại Singapore vinh dự được đón đoàn thăm quan khảo sát thị trường của TP.Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Khải dẫn đầu. Tôi nhớ như in ngày tháng này bởi đây là đoàn đi thăm làm việc không chính thức cấp cao nhất đầu tiên của Việt Nam đến Singapore trong bối cảnh Việt Nam đang bị cấm vận. Singapore tạm thời ngừng quan hệ ngoại giao khi Việt Nam giúp Campuchia đánh quân diệt chủng Khơ Me Đỏ. Thời điểm này, Luật Đầu tư nước ngoài còn đang trong quá trình \"thai nghén\". Các nước Đông Âu đang trong quá trình thay đổi chế độ, hai đầu biên giới phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh. Kinh tế bộn bề khó khăn.
Sáng tinh mơ hôm ấy, tôi ra đón đoàn. Sau những cái bắt tay và chào hỏi thân thiết, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Khải đề nghị tôi báo cáo tình hình kinh tế Singapore, những ngành nào phát triển, nếu buôn bán với Singapore, Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng nào? Lúc đó, Singapore có thế mạnh là công nghiệp đóng tàu và giàn khoan ở khu vực; là trung tâm lọc và buôn bán dầu lớn thứ ba thế giới; trung tâm xuất nhập khẩu và chuyển khẩu của khu vực; dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải biển và hàng không phát triển. Đặc biệt là chính sách nhà ở cho dân, trên 90% dân ở nhà Chính phủ xây bán giá hợp lý theo hình thức thuê mua 15 năm. Vừa báo cáo, tôi vừa quan sát và thấy hơi lạ. Nhiều đoàn sang, khi nói, họ nghe loáng thoáng; còn đoàn này nói đến đâu trưởng đoàn và các đoàn viên ghi chép tỉ mỉ đến đó. Sau hai giờ làm việc, tôi dẫn đoàn tới gặp tỷ phú Quách Hồng Phưng - Chủ tịch Tập đoàn Hồng Ly - kinh doanh khách sạn và bất động sản lớn nhất Singapore. Trưa hôm đó ăn cơm và làm việc bàn tròn với một số doanh nghiệp khác, trong đó có hãng bia Tiger - sau này trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Việt Nam.
![]() |
Tại chuyến công tác Singapore ngày 28/9/1988: Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (lúc đó là Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh) - đứng thứ 4 từ phải sang và tác giả bài viết - đứng thứ 7 từ phải sang |
Ngày 1/11/1991, Đoàn Vinatrade báo cáo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Lê Văn Triết thu xếp Chính phủ Singapore mời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt sang thăm và bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Năm 1992, Tập đoàn Keppel lập quỹ đầu tư tại Việt Nam đề nghị tôi báo cáo Chính phủ. Tôi về nước may mắn được gặp Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. Đồng chí ủng hộ việc thành lập quỹ này. Năm 1998, tôi được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách xuất nhập khẩu. Thời đó, tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu đều phải xin phép mới được làm. Nhiều doanh nghiệp trong miền Nam phải \"ăn dầm ở dề\" chỉ để xin giấy phép. Đã từng làm tổng giám đốc doanh nghiệp nên tôi rất thấu hiểu những bất cập của vấn đề và báo cáo Bộ trưởng Vũ Khoan nên đề xuất bỏ bớt giấy phép. Bộ trưởng bảo tôi nên xin ý kiến Thủ tướng Phan Văn Khải. Và tôi đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm. Năm 1999, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp nghe ý kiến doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh. Tôi ngồi kế bên Thủ tướng. Lúc đó chỉ còn giữ lại khoảng 24 mặt hàng nhập khẩu cấp phép, nhưng tạm thời ngừng nhập khẩu vì chúng ta thâm hụt ngân sách và quá thiếu ngoại tệ. Một số doanh nghiệp hỏi xoáy tôi vấn đề này. Thủ tướng đỡ lời: \"Đây là chủ trương của Chính phủ chứ không phải của Bộ Thương mại, của anh Tự\". Năm sau, tôi được Thủ tướng giao làm Trưởng Đoàn đàm phán Kinh tế thương mại Chính phủ kiêm Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và sau này thêm trưởng Đoàn đàm phán Cộng đồng kinh tế ASEAN . Đây là những công việc mới mẻ và vô cùng khó khăn. Khi nhận nhiệm vụ tôi rất lo, nhưng đã nhận được sự động viên, thường xuyên, chỉ đạo công việc sát sao của Thủ tướng Phan Văn Khải. Thủ tướng còn đặc cách cho tôi một cơ chế \"bất cứ lúc nào có việc cần, kể cả thứ 7 - chủ nhật, có thể đến nhà báo cáo\".
Năm 2004, tôi đi dự Hội chợ triển lãm sông Mê Kông ở Tokyo do Phòng Thương mại Nhật Bản tổ chức. Tôi gặp Bộ trưởng Bộ Kinh tế công nghiệp và Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao của nước bạn. Tôi nhận ra Nhật Bản đang cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam. Tôi đề xuất phía bạn giúp đỡ phát triển kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn bằng cách mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Họ nhất trí với ý kiến này. Về nước, tôi báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải tình hình trên và tham mưu cơ hội phát triển quan hệ với Nhật Bản. Khi đó mới ký được Hiệp định Thương mại và Hiệp định Đầu tư, cần đàm phán đối tác kinh tế với phạm vi nội dung toàn diện hơn. Một tháng sau, tôi nhận được công văn đồng ý và giao cho Bộ Thương mại triển khai.
Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Ngay sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm chính thức Canada, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Hai chuyến thăm lịch sử đã mang lại thành công về nhiều mặt: Nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác đối ngoại trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư (theo báo cáo của VCCI, tổng giá trị các hợp đồng mà doanh nghiệp các bên đã ký kết đạt hơn 1,4 tỷ USD), thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam; tạo ra mối quan tâm cao đối với dư luận chung và dư luận tại Mỹ, Canada về Việt Nam… Một thành quả quan trọng nữa là Việt Nam đã đạt được những tiến bộ có ý nghĩa trong đàm phán gia nhập WTO.
Cách đây hai năm, có dịp về Củ Chi, tôi đã ghé thăm đồng chí Phan Văn Khải, ăn bữa cơm gia đình thân tình như thời còn công tác ở Hà Nội. Món ăn quen thuộc song cũng đặc biệt của hai miền Bắc - Nam là nem rán và canh chua cá lóc. Không ngờ đó lại là bữa ăn cuối cùng tôi được gặp đồng chí…
Hà Nội, 18/3/2018