Có sức ép nhưng tỷ giá sẽ không biến động lớn

Chính sách tỷ giá ổn định, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối thông suốt và dự trữ ngoại tệ tăng cao là những điểm nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2018. Dự báo, những tháng cuối năm 2018, mặc dù chịu một số sức ép từ thị trường thế giới nhưng tỷ giá cũng sẽ không có những biến động lớn.

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ sự tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới, song thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), diễn biến tỷ giá USD/VND đã có sự gia tăng trong quý III nhưng mức độ dao động còn thấp xa so với cuối năm 2016, cũng như đầu năm 2017 và “nhìn chung, vẫn trong tầm kiểm soát”.

Theo Báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu điều theo hướng đảm bảo bền vững về nợ công, cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối. Hiện nay Việt Nam có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục, đạt trên 60 tỷ USD.

Thực tế, trước những diễn biến của thị trường tài chính thế giới như việc Fed tăng lãi suất, giá một số đồng nội tệ của nhiều nước suy giảm, ảnh hưởng của chiến tranh thuonwg mại Mỹ- Trung, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn được kiểm soát và tiền đồng được các chuyên gia dự báo sẽ duy trì sự ổn định. TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đáng lẽ VND đã giảm giá mạnh so với USD, nhưng điều này không xảy ra bởi đồng nội tệ của Việt Nam được hỗ trợ bởi nguồn tiền kiều hối và dòng vốn FDI chảy mạnh.

Nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, mức mất giá của VND so với đồng USD vẫn thấp hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách điều hành linh hoạt, trung hòa luồng tiền, đảm bảo tỷ giá ở mức cân bằng.

\"co
Mặc dù chịu nhiều sức ép từ sự tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới, song thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định.

Bên cạnh việc sử dụng đắc lực công cụ điều hành là tỷ giá trung tâm, NHNN còn kết hợp rất nhiều công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ thị trường mở, thị trường liên ngân hàng để điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng, thậm chí bán ngoại tệ để can thiệp nếu cần; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14, về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

NHNN đã triển khai các giải pháp để thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để điều hành chính sách tỷ giá một cách ổn định để theo mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối thông suốt một mặt đã góp phần ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đó củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài; mặt khác tỷ giá ổn định còn giảm được áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của ngân sách Nhà nước ...

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân- chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đánh giá, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, tình hình thương mại thế giới dao động rất lớn, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với USD nhưng ở Việt Nam tỷ giá vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo mong muốn của Chính phủ và điều hành có lợi cho những người đang giữ tiền đồng Việt Nam.

Dự báo về tình hình tỷ giá trong thời gian tới, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính có chung một nhận định rằng mặc dù có nhiều áp lực lên đồng Việt Nam nhưng tỷ giá những tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì được sự ổn định và trong tầm kiểm soát.

Bày tỏ quan điểm về chính sách điều hành tỷ giá trong thời gian tới, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và kiểm soát lạm phát. Làm sao cho người Việt Nam giữ tiền đồng có lợi hơn ngoại tệ, tức là chống được đôla hóa.

Duy Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận