99,5% cơ sở khám chữa bệnh kết nối liên thông
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số ngành y tế: Làm gì để người dân được lợi?” tổ chức sáng ngày 21/10, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các bệnh viện. Đến nay, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim...
![]() |
Chuyển đổi số giúp người dân tiếp cận dễ dàng các thông tin |
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Cho tới nay, 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chuyển đổi số càng trở nên cấp thiết, không chỉ tiết kiệm cho người dân về thời gian, chi phí khi được hẹn khám chữa bệnh tại các bệnh viện... mà còn là một trong các mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát, hỗ trợ xác định vùng nguy cơ dịch Covid-19 và đối tượng có nguy cơ nhanh chóng, kịp thời...
Đại diện nhiều bệnh viện cũng cho hay, nền tảng số giúp bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quản trị, quản lý bệnh viện; các hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin, quản trị bệnh viện được cập nhật tại các bệnh viện và cơ sở từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến các hồ sơ bệnh án điện tử được liên thông.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu y tế toàn dân. Theo đó, mỗi người dân có một mã số định danh y tế duy nhất chính là mã số bảo hiểm xã hội. Người dân khi đi khám chữa bệnh chỉ cần cung cấp mã số bảo hiểm xã hội của mình, bác sỹ sẽ truy vấn cơ sở dữ liệu y tế toàn dân để có đầy đủ thông tin của người dân cũng như thông tin quá trình khám bệnh chữa bệnh trước đây, các yếu tố nguy cơ… của bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Mục tiêu ngành y tế đặt ra tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành; hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Tuy nhiên, chia sẻ tại tọa đàm, có ý kiến cho rằng, hiện nay hiệu quả của công tác chuyển đổi số ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế.
PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cũng thừa nhận: Một số tồn tại, hạn chế hiện nay là cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế chưa hoàn thiện, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật; nguồn nhân lực CNTT y tế còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng…
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 5349/QĐ-BYT về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bước đầu đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình…. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Quý Tường cho hay, thời gian qua, nhiều ứng dụng khác nhau đã được triển khai để phục vụ tức thời cho hoạt động chống dịch cụ thể, theo tính chất chống dịch gấp rút tại từng thời điểm, do vậy chưa kịp thời liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các ứng dụng.
“Thời gian tới, khi thống nhất tập trung thành 1 ứng dụng phục vụ phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức liên thông, dữ liệu đầy đủ, việc triển khai ứng dụng số trong phòng chống Covid-19 sẽ có hiệu quả hơn”, PGS.TS. Trần Quý Tường chia sẻ.
BS. Nguyễn Hoàng Huy - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chỉ đạo tuyến, BV Tai mũi họng Trung ương - cho rằng: Ngành y tế muốn chuyển đổi số thì cần bắt đầu từ các bệnh viện. Các bệnh viện phải tiến hành chuyển đổi số đồng bộ và kết nối phần mềm với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm y tế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện cũng phải tương đồng để kết nối các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh.
Hiện tại, Bệnh viện Tai Mũi Họng TW cũng như nhiều bệnh viện trên toàn quốc đang từng bước chuyển đổi số, để tiến tới mục tiêu thực hiện bệnh án điện tử trong tương lai gần. Hai lĩnh vực được các bệnh viện ưu tiên chuyển đổi số là chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Điều này sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam.