Trên thực tế, số hóa trong hoạt động ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng chưa nhanh và qui mô số hóa còn nhỏ chỉ mang tính cục bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, do các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng như giao dịch trực tiếp giữa khách hàng với ngân hàng bị hạn chế, hầu như tất cả các ngân hàng đều quan tâm, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng hiệu suất hoạt động, tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên - Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết, trong khoảng 3 năm gần đây, Nam A Bank đã tập trung mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa các qui trình nội bộ, dịch vụ khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, nhằm tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao hiệu suất hoạt động. Các tác vụ nội bộ tại Nam A Bank hiện nay đã có thể đạt mức số hóa tối đa khoảng 70%, chỉ những qui trình nào do con người tác động vào không thể số hóa thay thế được thì Nam A Bank chưa hoặc không số hóa. Các khâu giám sát, vận hành, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, đánh giá thông tin khách hàng, thẩm định tài sản…, đều đã được ứng dụng công nghệ thông qua hệ sinh thái chuyển đổi số.
Theo Ông Trần Thái Bình - Giám đốc công nghệ Ngân hàng TMCP Sacombank: Hoạt động ngân hàng truyền thống (thủ công), khách hàng mỗi lần giao dịch mất rất nhiều thời gian, thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, nhân viên ngân hàng cũng phải xử lý rất nhiều qui trình, thủ tục. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động, mang lại tiện ích rất lớn không chỉ cho khách hàng, mà còn giúp ngân hàng giảm được gánh nặng về chi phí vận hành.
![]() |
Hệ thống ngân hàng đang tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đối số. Ảnh minh họa |
Hiện Sacombank đang tập trung ứng dụng công nghệ để xử lý 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, tăng cường số hóa nhằm tăng trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng từ bên ngoài, thông qua tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Thứ hai, tối ưu hóa quản lý nhân sự, công việc, thông qua số hóa, tự động hóa. Thứ ba, số hóa các qui trình nội bộ hướng tới ngân hàng văn phòng không giấy. Mục tiêu chuyển đổi số của Sacombank đã đặt ra là khá tham vọng, với 90% qui trình được số hóa, 90% số lượng khách hàng sẽ giao dịch, thực hiện các dịch vụ… trên kênh ngân hàng số, tiến tới khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh, ở nhà không cần phải đến các chi nhánh của ngân hàng cũng có thể thực hiện được các nhu cầu giao dịch.
Ông Võ Tấn Long - Công ty Tư vấn toàn cầu (PwC Việt Nam), nhận định, dù chưa thể dự đoán được chính xác, nhưng với tốc độ phát triển của công nghệ, cũng như tốc độ thay đổi về nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, đã và đang khiến quá trình chuyển đối số nói chung và trong hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh. Dự báo đến 2025, có thể sẽ có không có những ngân hàng hoạt động truyền thống như hôm nay, mà các dịch vụ tài chính, ngân hàng số sẽ được “nhúng” vào các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh số người sử dụng mạng internet, thuê bao di động rất cao tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sẽ có rất nhiều dịch vụ các các ngân hàng cần ứng dụng số hóa để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nhằm phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo, đến 2025, số hóa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ đi một bước dài so với thực tiễn hiện nay.
Ông Bùi Đình Giáp - Đại diện AKB, một đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, cho rằng, công nghệ luôn đi tiên phong, dẫn dắt nhiều cuộc cách mạng, trong đó có chuyển đổi số ngân hàng. Chúng ta đã qua giai đoạn thử nghiệm công nghệ, bây giờ và sắp tối sẽ là ứng dụng để đạt kết quả như thế nào. Trong vòng vài năm tới, tỷ lệ nhân viên ngân hàng và chi nhánh ngân hàng có thể giảm do số hóa, nhưng doanh thu vẫn tăng, thậm chí sẽ có chi nhánh ngân hàng tự động. Các ngân hàng cũng sẽ kết hợp với Finteck… để đưa ra các sản phẩm dịch vụ số hóa như ví điện tử…. ngày càng đa dạng. Dự kiến đến 2025, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hàng đầu khu vực về chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, để số hóa thành công, thì các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, phía trước còn khá nhiều thách thức. Bởi khách hàng luôn phải được coi là nhân tố hàng đầu để hướng tới. Khách hàng sẽ không bao giờ hài lòng tất cả và luôn thay đổi, hướng tới sự trải nghiệm mới, tiện ích và mang lại lợi ích nhiều hơn, nên các ngân hàng phải liên tục đổi mới để thích ứng. Muốn vậy, cần lựa chọn công nghệ phù hợp và có chiến lược số hóa phù hợp.
Những thách thức lớn khác để chuyển đổi số, đó là nguồn lực đầu tư lớn, văn hóa chuyển đổi số, rồi hành lang pháp lý cũng chưa đầy đủ đủ để giúp các ngân hàng có thể chuyển đổi số theo nhu cầu thị trường. Kinh nghiệm hoạt động ngân hàng truyền thống, cũng như thói quen giao dịch trực tiếp của ngân hàng cũng như một bộ phận khách hàng, cũng sẽ khiến cho sự đổi mới và số hóa hoạt động ngân hàng gặp rào cản nhất định, có thể trở ngại cho việc tái cấu trúc hoạt động, nếu không có chiến lược đột phá, tư duy đổi mới, quyết tâm của lãnh đạo, sự đồng lòng của nhân viên thì khó thành công.
Để số hóa, mỗi ngân hàng có sự ưu tiên, có chiến lược, mô hình, tiêu chí hoạt động riêng khác nhau, nên sẽ không có một mẫu số chung cho tất về sự lựa chọn mô hình hay cách thực hiện số hóa. Tùy theo tôn chỉ, mục đích, mục tiêu… đặt ra, các hàng hàng cần có cách tiếp cận chuyển đổi số phù hợp với mình nhất.