![]() |
Băng tuyết khiến rau màu của bà con nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề |
Thiệt hại nặng nề
Ngoài thiệt hại lớn chưa từng có về hoa, rau màu, gia súc, còn cây thảo quả - cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số trồng 5- 7 năm, bắt đầu cho thu hoạch đã bị băng giá làm thối rễ, có nguy cơ mất trắng hàng ngàn ha - đẩy hàng ngàn hộ dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao phía Bắc quay trở lại tình trạng đói nghèo.
Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Hơn 1.500 ha thảo quả của người dân đã bị thối củ do băng tuyết, tổng thiệt hại ước tính hơn 200 tỷ đồng. Hàng nghìn hộ dân đồng bào người Mông ở đây đang “khóc ròng” vì không biết lấy gì để sống, bởi thảo quả là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, cây hy vọng đổi đời thời gian qua. Hơn 50% người dân Mù Cang Chải hiện đang dựa vào nguồn thu nhập chính từ cây thảo quả, trong khi cả huyện có đến 74% là hộ nghèo. Xã La Pán Tẩn - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hậu quả của mưa tuyết và băng giá - người dân đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi triển khai khôi phục hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
“Băng tuyết đã khiến trên 100 ha thảo quả không thể khắc phục được. Khó khăn hiện nay là người dân sẽ mất đi một nguồn thu nhập lớn từ cây trồng này. Đời sống của nhân dân vì thế cũng sẽ chật vật hơn mọi năm. Một điều đáng lo ngại của địa phương hiện nay, là cả những cánh rừng bạt ngàn của thảo quả và nhiều cây trồng có giá trị khác ở Mù Cang Chải bị chết khô sau rét đậm rét hại. Nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng rất cao”- Chủ tịch UBND xã Hảng Sáy Chông lo lắng.
![]() |
Thảo quả không còn là cây thoát nghèo ở vùng cao Mù Cang Chải khi thời tiết bất thường |
Đối với bà con vùng cao Lào Cai trong đợt rét đậm rét hại vừa qua, tổng diện tích thảo quả bị thiệt hại và ảnh hưởng là gần 7.000 ha, trên tổng số 14.000 ha thảo quả toàn tỉnh. Hầu hết các xã vùng cao huyện Bát Xát, như A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Dền Sáng, Y Tý, Sảng Ma Sáo đều có diện tích cây thảo quả bị thiệt hại sau trận mưa tuyết, trong đó các xã có diện tích thảo quả tại khu vực rừng phòng hộ Y Tý là xã Ngải Thầu, Dền Sáng và xã Y Tý bị nặng nhất. Hơn 10 năm trước, người dân Y Tý vui mừng vì dự án trồng thảo quả mang lại hy vọng thoát nghèo. Nhiệt độ nơi đây quanh năm lạnh hơn vùng khác, đất cằn cỗi, diện tích canh tác ít. Để có được vụ thu hoạch đầu tiên, đồng bào phải phát quang từng vạt cỏ, ươm cây mất 3 năm mới có được cây non để trồng, mất thêm 3 năm nữa cây mới lớn để cho thu hoạch. Hy vọng thoát nghèo của người dân vừa hé lên, thì “thảm họa” mưa tuyết xảy ra. Toàn bộ 170 ha cây thảo quả tại 16/16 thôn của xã Ý Tý đã bị ảnh hưởng, diện tích bị thiệt hại nặng chiếm khoảng 70 đến 80%.
Cần chuyển đổi cây trồng phù hợp
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã ra văn bản đề nghị các tỉnh trong vùng rà soát cụ thể tình hình thiệt hại, chủ động tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Đặc biệt, đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần có những hướng dẫn cụ thể để bà con sớm ổn định cuộc sống. Trao đổi về hướng giúp đỡ bà con trồng thảo quả trước những thiệt hại đợt rét vừa qua, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái - cho biết, đã có kế hoạch hỗ trợ mức 3 triệu đồng/ha thảo quả bị chết để các hộ dân mua giống và vật tư trồng lại diện tích thiệt hại.
“Huyện đã chỉ đạo bà con sau đợt rét đậm rét hại khẩn trương bới gốc thảo quả để xác định số gốc vẫn còn sống, nhằm nuôi những mầm thảo quả còn sống, tận dụng sau này dùng làm giống. Về lâu dài, địa phương vẫn tính toán và đề nghị với tỉnh, nhà nước tìm những loại cây vừa có giá trị kinh tế cao, vừa chịu được rét để chuyển đổi cây trồng hợp lý”- Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải - ông Giàng A Tông - cho hay.
Theo ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai - để khắc phục diện tích thảo quả trở lại nguyên trạng cần ít nhất 3-5 năm nữa, nên thiệt hại về kinh tế là đặc biệt lớn, khó thống kê được. Trước mắt, tỉnh cũng đang tìm giải pháp để hỗ trợ bà con, đồng thời hướng dẫn từng bước xây dựng mô hình sấy thảo quả, có chương trình phát triển cây khác thay thế như cây sa nhân tím.
Với tình hình biến đổi bất thường của khí hậu hiện nay, qua những thiệt hại nặng nề về cây trồng ở miền núi phía Bắc và hạn hán xảy ra gay gắt ở Nam Trung bộ, cũng như xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn dự báo ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào rất mong Nhà nước, các cấp chính quyền định hướng, khảo sát kỹ về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm hạn chế thiệt hại khi thiên tai bất thường xảy ra.
Ông Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban Phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc: “Chúng tôi đang đề nghị các địa phương rà soát lại thiệt hại cụ thể. Theo đó, đề ra giải pháp trước mắt là khẩn trương xem xét đề nghị Chính phủ cứu đói kịp thời cho đồng bào. Xem xét lại chế độ tín dụng, có thể giãn nợ, khoanh nợ, có thể kiến nghị xóa nợ. Tiếp tục cho đồng bào vay vốn khôi phục sản xuất. Đặc biệt, về chiến lược phát triển lâu dài, cần tính đến biến đổi khí hậu, để tính đến giải pháp căn cơ bền vững hơn”. |