![]() |
Các sản phẩm địa phương ở Quảng Ninh được người tiêu dùng ưa chuộng |
Đa dạng hoạt động
Tuyên truyền là một trong những công tác trọng tâm của CVĐ khi được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh. Theo đó, các cơ quan truyền thông như: Đài phát thanh, truyền hình, báo… đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên tuyên truyền về nội dung CVĐ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, giúp người tiêu dùng nắm bắt được thông tin, có nhiều sự chọn lựa, tin tưởng và ưu tiên dùng các sản phẩm trong tỉnh nói riêng và hàng Việt Nam nói chung.
Song song với việc tuyên truyền, từ năm 2009 đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm đã được tỉnh quan tâm triển khai. Toàn tỉnh đã tổ chức 59 chương trình hội chợ, trong đó có 8 hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và 9 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.
Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Hàng hóa có thương hiệu cũng được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối như: Gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu… Công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường thực hiện có hiệu quả, giúp bảo hộ hàng Việt chính hãng.
Nhờ những giải pháp như vậy, qua gần 6 năm tổ chức thực hiện CVĐ đã góp phần nâng cao nhận thức và tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Người dân có sự chuyển biến rõ nét trong thói quen mua sắm khi ưu tiên mua sắm hàng Việt. Nhiều thương hiệu đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Về phía doanh nghiệp (DN), CVĐ đã tạo môi trường và tâm lý tích cực, kích thích DN đầu tư, đổi mới công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Từ đó, nhiều sản phẩm của DN trong nước, trong tỉnh ngày càng có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, góp phần quan trọng cho hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Chưa hết khó khăn
Dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận nhưng Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh nhìn nhận, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, như: Một số cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp đẩy mạnh CVĐ; DN còn gặp khó khăn về vốn, công nghệ để sản xuất sản phẩm; việc ngăn chặn đấu tranh với hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng chưa được thường xuyên...
Theo đó, giải pháp quan trọng nhất để CVĐ đạt kết quả cao là đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của tất cả các đối tượng trên địa bàn. Bên cạnh đó, có chính sách cụ thể hơn về hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt để đổi mới công nghệ và phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, với một địa phương gần biên giới như Quảng Ninh, cần có chính sách quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng nhập khẩu qua biên giới; kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ tối đa các DN làm ăn chân chính.