Chuỗi cửa hàng tiện lợi: Dẫn dắt kênh bán lẻ hiện đại

Nếu những năm trước đây, chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống luôn chiếm ưu thế trong thói quen mua bán của người Việt, thì nay, các kênh bán lẻ này đã xuất hiện đối thủ mới là chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

\"\"

Người dân đang dần chuyển đổi thói quen mua sắm từ truyền thống sang các cửa hàng tiện lợi

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phong phú

Cửa hàng tiện ích sẽ có cuộc phát triển nhảy vọt trong kênh bán lẻ của thị trường Việt Nam” - nhận định này được bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ đưa ra tại Tọa đàm về tương lai phát triển của chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở Việt Nam.

Khảo sát mới công bố của hãng Nielsen cho thấy, lượng khách hàng mua sắm ở chợ truyền thống trong năm 2014 đã giảm 5% so với năm 2012 và giảm tới 17% đối với các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, hiện đang có sự chuyển đổi thói quen mua sắm từ truyền thống sang hiện đại. Kênh mua sắm hiện đại (chuỗi siêu thị mini, các siêu thị mini độc lập và chuỗi cửa hàng tiện lợi) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. So với năm 2012, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng gấp đôi, từ 147 lên 348 cửa hàng năm 2014; chuỗi các siêu thị mini cũng tăng từ 863 lên 1.452 cửa hàng trong năm 2014.

Sở dĩ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có sự phát triển nhanh đến vậy bởi đáp ứng được nhu cầu của phần lớn những người tiêu dùng trẻ tuổi và có cuộc sống bận rộn. Các cửa hàng tiện ích không chỉ đáp ứng được chủng loại hàng hóa phong phú, tốc độ dịch vụ nhanh, giá cả cạnh tranh với chất lượng cao mà còn bảo đảm vệ sinh. Thực phẩm đang là yếu tố đóng vai trò gia tăng doanh thu của kênh bán hàng này. Báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng, có đến 22% người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên mua thực phẩm và hàng tạp hóa tại kênh bán hàng tiện ích.

Nhiều cơ hội tăng trưởng

Ông Phạm Hữu Thìn - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng, tại Việt Nam, mô hình cửa hàng tiện ích có nhiều cơ hội phát triển. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng cùng với lợi thế quy mô nhỏ, cần ít vốn đang giúp mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ngày càng được các nhà bán lẻ đẩy mạnh đầu tư. Với diện tích 50 -200m², các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini dễ dàng len lỏi vào khu dân cư đông đúc. So với mô hình bán lẻ khác, giá trị đầu tư ban đầu cũng chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhà bán lẻ có thể xây dựng một cửa hàng với hơn 1.000 - 2.500 mặt hàng. Nếu so với mô hình đại siêu thị cần mặt bằng cả chục ngàn mét vuông, với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, việc những cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có mặt ở hầu hết khu dân cư là điều dễ hiểu. Theo chia sẻ của một số nhà bán lẻ, thời gian thu hồi vốn của mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi khá nhanh.

Dù vậy, theo bà Hương Quỳnh, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội để tăng doanh thu và mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Để thích nghi, các nhà bán lẻ phải tìm hiểu kỹ hơn về hành vi của người mua hàng và có chiến lược kinh doanh để tạo sự khác biệt, trong đó, quan tâm đến một số tiện ích sẵn có như: Thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm tươi sống, giá cạnh tranh và các dịch vụ đi kèm. Đây chính là những yếu tố giúp các đơn vị có thể giành lợi thế trong cuộc chiến bán lẻ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Theo tính toán của Nielsen, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tại Việt Nam hiện là 69.000 người/cửa hàng; trong khi tại Philippines là 37.000 người/cửa hàng; Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng… Những nước đã có nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi như Thái Lan, Hàn Quốc thì con số chỉ còn 5.556 người/cửa hàng (Thái Lan) hay 1.835 người/cửa hàng (Hàn Quốc).
Thúy Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận