Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 12 diễn ra mới đây, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2020, mặc dù thị trường gặp không ít khó khăn do dịch bệnh nhưng nhờ việc kiểm soát dịch được thực hiện tương đối tốt đã tạo điều kiện cho thị trường hàng hóa của Hà Nội tăng trưởng ổn định.
Dịp Tết Tân Sửu 2021, Hà Nội đã chuẩn bị 39.400 tỷ đồng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020. Trong đó có 13 mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn chiếm 35%.
“Nhìn chung, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối dồi dào. Nguyên nhân một phần do xuất khẩu khó khăn nên hàng hóa được dồn vào các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, Hà Nội đón nguồn hàng từ địa phương về tương đối nhiều. Có địa phương đưa hàng về 3,4 lần, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại để quảng bá cho hàng hóa, sản phẩm. Các doanh nghiệp dự trữ tăng cao 2 - 3 lần nên về cơ bản, hàng hóa Tết sẽ dồi dào với giá cả tương đối ổn định” – bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ.
![]() |
Các địa phương, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết Tân Sửu 2021 |
Để phục vụ tối đa cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các tỉnh bán hàng hóa ổn định và lâu dài, năm nay, Hà Nội bố trí 28 điểm bán cố định. Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát tốt hàng hóa đầu vào; bố trí nhân lực, vật lực để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu về và xuất đi; hàng trung chuyển cho người dân phải được phun khử khuẩn đầy đủ, tránh lây nhiễm Covid-19.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức loạt sự kiện xúc tiến thương mại như Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 trong tháng 1/2021 với quy mô dự kiến 200 gian hàng; dự kiến tổ chức Hội chợ Xuân Tân Sửu năm 2021 thuộc dự án Tuần hàng Việt với quy mô 100 gian hàng trong tháng 2/2021; tổ chức 88 chợ Hoa Xuân phục vụ Tết, các chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; hỗ trợ các tỉnh, thành tổ chức 3-5 tuần hàng tại Hà Nội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương cho biết, hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu chủ yếu đến từ 3 nguồn hàng: nguồn hàng từ doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường; từ chợ đầu mối và từ các doanh nghiệp khác.
Trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia 04 Chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 là 80 doanh nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Về nguồn vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố cam kết đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã kết nối 28.600 lượt cho 22.000 doanh nghiệp vay 448.570 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2019.
Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Cụ thể, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 02 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% – 17,3% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 12% – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.
Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, căn cứ Quyết định số 1115/QĐ-UBND, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.
Đồng thời, để bổ sung nguồn hàng Tết phục vụ người tiêu dùng Thành phố, Sở Công Thương Thành phố phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 (29 địa phương và 486 Doanh nghiệp các Tỉnh, thành phố tham gia, doanh thu đạt 40 tỷ đồng) và Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2020. Nhờ đó, vào dịp Tết trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương nhưng quy mô và dân số nhỏ, các cơ sở sản xuất nhỏ, hơn 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống không đa dạng lắm. Do đó, các sản phẩm của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu mà phải nhập từ các nước khác.
Bù lại, Đà Nẵng có hệ thống bán buôn bán lẻ đa dạng với 70 siêu thị; các cửa hàng thương mại nên phục vụ tương đối tốt người dân, không có sự bất ổn về giá. Nguồn hàng xăng dầu cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.
Năm nay, ảnh hưởng của bão lụt gây ra khó khăn khiến Đà Nẵng tăng trưởng âm, sản xuất công nghiệp giảm 10%, hoạt động thương mại khó khăn, số lượng khách lưu trú giảm 63%. Những tháng cuối năm 2020, dù nhu cầu mua sắm ng dân có tăng nhưng nhìn chung không đáng kể. Với đà mua sắm hiện nay, dự kiến sức mua vào dịp Tết không có sự đột biến. “Dịp Tết Tân Sửu 2021, Đà Nẵng đã làm việc với 13 đơn vị bán buôn lớn trên địa bàn; tổng dự trữ hàng hóa toàn thành phố là 11.700 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái một chút nhưng sức mua hiện giảm nên nguồn hàng này đảm bảo nhu cầu của người dân” – ông Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.