Chủ động hội nhập kinh tế theo chiều sâu

Với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm đến nay, công tác hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) của TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai, hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm.
\"\"
Hội nhập KTQT sâu rộng giúp Thủ đô ngày một phát triển

Những kết quả đáng ghi nhận

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Ban Hội nhập KTQT TP. Hà Nội - cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố cùng sự chủ động của các đơn vị, công tác hội nhập KTQT đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, về công tác thông tin tuyên truyền, các ban, ngành của thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cho doanh nghiệp trên địa bàn với những nội dung phong phú, đặc biệt chú trọng đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN...

Thành phố cũng đã rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh chưa phù hợp; sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành, năng lực cạnh tranh của thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm; cải tiến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Theo đó, sửa đổi, bổ sung 227/418 văn bản; bãi bỏ 101 văn bản, 44 văn bản hết hiệu lực thi hành; cắt giảm từ 20% - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính tùy lĩnh vực; tổ chức hàng trăm đoàn tham gia hội chợ quốc tế tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào... Đặc biệt, Hà Nội cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác đầu tư phát triển với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong việc phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, thành phố chú trọng thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt và đa dạng theo xu hướng chung của quốc tế. Thành phố cũng xây dựng phương án cổ phần hóa 25 doanh nghiệp; tiếp tục triển khai 3 đề án liên quan đến thị trường lao động, việc làm, trong đó có việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các công tác quản lý, đăng ký kê khai giá; quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu… cũng đạt được những kết quả khả quan.

Các giải pháp đồng bộ như trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015; vốn đầu tư phát triển tăng 10,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,314 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu giảm 6,2% so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 2 triệu lượt, tăng 34%. Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước với 161 dự án cấp mới, 40 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 1,6 tỷ USD gấp 3 lần so với năm 2015, đó là chưa kể đến các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần 65 triệu USD và 1 dự án ngân hàng 134 triệu USD.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước, Hà Nội luôn xác định, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, công tác hội nhập KTQT có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố những tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Hà Nội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ hội nhập tại Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 6/4/2016 của UBND thành phố. Trong đó, có công tác thông tin tuyên truyền toàn diện nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh công tác dự báo, phân tích những cơ hội cũng như thách thức khi hội nhập đối với từng lĩnh vực, ngành hàng.

UBND TP. Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020; phấn đấu duy trì tỷ lệ kê khai nộp thuế điện tử đạt 95%; giảm 20% thời gian giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch...

\"\"

Cùng với đó, tiếp tục chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư quốc tế, phấn đấu cả năm đạt 2 tỷ USD; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và các đề án liên quan đến lao động...

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Hội nhập KTQT TP. Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành tăng cường tổ chức đánh giá tác động (nhất là tác động tiêu cực) của hội nhập KTQT đến xã hội Việt Nam, nhằm kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp hội nhập phù hợp, phát huy hiệu quả; hỗ trợ, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin mang tính định hướng bằng nhiều hình thức khác nhau, nội dung phong phú; lựa chọn những lĩnh vực, ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu; chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu và cú sốc khi giá vật liệu trên thị trường quốc tế tăng...

Những nhiệm vụ chủ yếu trong hội nhập KTQT của Hà Nội bao gồm: Ban hành cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; bảo vệ tài nguyên, môi trưòng và phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng; đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận