Chống buôn lậu trên tuyến đường sắt: Cần tăng cường phối hợp

Thời gian qua, liên tiếp các vụ vận chuyển hàng hóa trái phép, buôn lậu trên các tuyến đường sắt bị cơ quan chức năng bắt giữ cho thấy tình trạng phức tạp của loại hình buôn lậu này. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, xử lý còn nhiều hạn chế; đặc biệt là việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng và ngành Đường sắt chưa hiệu quả.
\"\"
Có thời điểm, lực lượng chức năng bắt giữ hàng chục tấn hàng lậu trên tàu hỏa

Gia tăng buôn lậu trên đường sắt

Những năm gần đây, khi các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không bị kiểm soát chặt, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hàng lậu không chỉ là linh kiện điện tử, áo quần, vật tư y tế xuất xứ Trung Quốc từ Bắc vào Nam mà gỗ lậu từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng theo đường sắt ra Bắc tiêu thụ.

Một số vụ điển hình như tháng 5/2016, các trinh sát Phòng 2 (C74 Bộ Công an) phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra đột xuất 2 toa tàu số hiệu VNR232144 và VNR232016 từ ga Hà Nội vào ga Biên Hòa (Đồng Nai), phát hiện 247 kiện hàng với tổng trọng lượng 25 tấn, ước tính trị giá 12 tỷ đồng. Toàn bộ lô hàng trên đều không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Tiếp đó, trong các ngày 16, 17/6, cũng tại ga Biên Hòa, lực lượng chức năng kiểm tra tàu TN1 chạy từ Hà Nội vào, phát hiện khoảng 50 tấn hàng hóa là đồ dùng và linh kiện điện tử không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...

Với hai tuyến đường sắt liên vận qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và tuyến qua ga Lào Cai, tình hình buôn lậu cũng diễn biến phức tạp. Sau khi đưa hàng trót lọt qua biên giới, các đối tượng buôn lậu sử dụng xe tải, xe khách hoán cải vận chuyển vào sâu trong nội địa.

Cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về thực trạng buôn lậu trên các tuyến, điểm đường sắt thuộc quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Tổng công ty), đại diện đơn vị này cho biết, thị phần vận tải hàng hóa bằng phương tiện đường sắt hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển. Hàng hóa vận chuyển qua hai tuyến đường sắt liên vận quốc tế không nhiều, mỗi năm chưa đầy 1 triệu tấn, lại được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên trong nhiều năm không phát hiện các trường hợp buôn lậu. Các ga còn lại đều nằm sâu trong nội địa, hàng hóa vào đến ga đường sắt, lên được các đoàn tàu đã qua sự kiểm tra, kiểm soát của nhiều cơ quan chức năng địa phương.

Qua thông báo của các cơ quan chức năng về kết quả kiểm tra, xử lý hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt bị tạm giữ thì số lượng hàng vi phạm là rất nhỏ. Tổng công ty đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp đấu tranh chống lợi dụng phương tiện đường sắt vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Năm 2016, tổng công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 30 lần kiểm tra hàng hóa, hành lý bao gửi, ký gửi vận chuyển trên các đoàn tàu, tại các kho, bãi hàng ở ga đi và ga đến.

Đặc biệt, theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dù đã có sự phối hợp giữa với các cơ quan hữu quan trong công tác phòng, chống buôn lậu song kết quả còn hạn chế. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đến kiểm tra nhưng không liên hệ với nhà ga, không công khai quyết định kiểm tra. Sau khi tạm giữ hàng hóa, không tiến hành lập biên bản tại chỗ, thời gian xác minh kéo dài dẫn đến bất lợi cho chu kỳ lưu thông hàng hóa. Hơn thế, sau kiểm tra, hầu hết không trao đổi, thông báo kết quả xử lý hàng hóa bị tạm giữ cho tổng công ty biết để chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác vận tải hàng hóa bằng phương tiện đường sắt.

Để có thể ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa buôn lậu trên tuyến đường sắt đạt hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng chức năng và ngành Đường sắt, kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng giao thông đường sắt để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Châu Hoàng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận