![]() |
Ðoàn công tác làm việc tại huyện Hà Quảng |
Đây là nhận định của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Đinh Quế Hải sau chuyến kiểm tra thực tế việc thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Cao Bằng.
Tập trung triển khai các chính sách cho đồng bào dân tộc
Thực hiện các chính sách dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai các chính sách dân tộc, công tác dân tộc trên địa bàn.
Năm 2016, bằng nguồn vốn Chương trình 135, toàn tỉnh đầu tư 245 công trình, trong đó, khởi công mới 98 công trình; xã làm chủ đầu tư 100 công trình; 9 công trình do người dân thi công. Hỗ trợ 28.690 giống cây trồng, 1.132 kg phân bón, mở 40 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm. Cao Bằng đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 807 người có uy tín của 5 huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hà Quảng.
Cùng với đó, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 18.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vay ưu đãi 26,9 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề... Thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo hơn 19 tấn giống ngô, 25 tấn giống lúa, 518 kg giống lạc, hơn 30.000 con gà, vịt giống, hơn 10 tấn giống dong riềng, 39 tấn phân bón, gần 15 tấn muối và hơn 144 triệu đồng. Cấp phát 601.000 đầu báo các loại; tổ chức 2 hội nghị cho người uy tín với 160 người tham gia; tặng quà cho 2.482 người có uy tín. Cho 4.912 hộ vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 39,2 tỷ đồng… Đã giao hơn 34,6 tỷ đồng vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a cho 4 huyện. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non 5 tuổi, trẻ mầm non 3 - 4 tuổi, học sinh tiểu học, THCS hưởng chế độ bán trú, hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh THPT; hỗ trợ hơn 3.830 tấn gạo cho 56.700 học sinh và triển khai đồng bộ các chính sách khác cho học sinh, cán bộ, giáo viên vùng đồng bào dân tộc…
Qua triển khai, các chính sách dân tộc đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo phản ánh của địa phương, một số văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách còn chậm, chưa thực sự thông thoáng, phù hợp thực tế trình độ cán bộ cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp huyện, xã chưa kiên quyết, lúng túng. Hạ tầng cơ sở đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tại vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn... Qua đó, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù cho đồng bào vùng cao thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, cấp kinh phí bổ sung cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. Ủy ban Dân tộc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; Có chính sách đặc thù để tuyển dụng cán bộ dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, tham mưu ban hành các văn bản triển khai đề án phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người; Phân cấp thực hiện các chính sách dân tộc cho địa phương...
Ðịnh hướng rõ mục tiêu trong xây dựng chính sách
Cùng với kiến nghị của tỉnh, tại một số địa phương như Bảo Lạc, Hà Quảng, cán bộ làm công tác dân tộc cũng gửi những kiến nghị đến lãnh đạo UBDT. Như tại Bảo Lâm, đại diện Phòng Dân tộc nêu khó khăn về việc triển khai xây dựng hạ tầng giao thông khi triển khai song song giữa chương trình nông thôn mới và các chương trình khác. Với chương trình nông thôn mới thường vận động bà con hiến đất làm đường, trong khi các chương trình khác có đền bù giải phóng mặt bằng… Như vậy, cán bộ sẽ rất khó giải thích, tuyên truyền để nhân dân hiểu.
Ngoài ra, cán bộ các địa phương cũng kiến nghị về một số nội dung đầu tư tập trung cho các xã khó khăn. Vì hiện nay đang thực hiện theo hướng phủ đều cho các xã, kinh phí giải ngân theo từng năm sẽ khó xây dựng công trình do thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công…
Sau khi nắm việc thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương, thôn xóm và tận hộ dân, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Đinh Quế Hải nêu bật, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, các địa phương rất quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi nên đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đến với người dân khu vực này. Những chính sách đó đã góp phần đáng kể thay đổi, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, việc có quá nhiều chính sách dẫn đến khó triển khai, chồng chéo trong thực hiện, giảm hiệu quả của chính sách. Hiện nay, Chính phủ đang theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tránh dàn trải đối với các chương trình, dự án đầu tư. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tập trung cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Trên tinh thần đó, các địa phương cũng định hướng rõ mục tiêu trong xây dựng chính sách, tập trung nguồn lực cho vùng khó, xã bản khó khăn trước. Chính sách phải dễ làm, dễ triển khai và thực hiện nghiêm, tránh để người dân hiểu sai.