Chiếc bình tích đồng thau
Chính luận 3510:52 | 18/02/2025Theo dõi Congthuong.vn trên
“Chiếc bình tích đồng thau” là nhan đề bài viết của tác giả, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, kính mời quý vị cùng lắng nghe.
Khi đỡ chiếc bình trên tay, tôi thấy nó dường như bé hẳn đi so với trí nhớ xưa cũ của mình. Duy chỉ cái hình dáng đặc biệt hệt như một chiếc bánh dày đại trong đám hội làng, là tôi thấy y nguyên. Khắp mình nó đầy vết lồi lõm, sứt võ, dù đã được mợ tôi nhờ người hàn lại bằng những mối hàn thiếc.
Vậy mà trong vệt sáng lung linh, mờ ảo nơi thân bình, tôi như thấy hiện lên hình ảnh của những người đàn bà thân yêu nhất trong cuộc đời tôi nay đều đã khuất xa. Bà ngoại, mẹ tôi, dì tôi, mợ tôi, những người đàn bà, con gái, con dâu của làng nghề đúc đồng cổ xưa, vất vả, tảo tần, thương cháu, yêu con nhất mực.
Nghe tin mơ Liên ra đi đột ngột, Tôi chạy với về 38 phố Hàng Đồng. Lúc ấy mợ đã được đưa sang nhà tang lễ Phùng Hưng. Em Tuyết, cô em con cô con cậu của tôi sụt sùi kể chuyện:
Cho đến lúc mợ tôi đột ngột mắc cơn cảm nặng và lâm vào tình trạng hôn mê, dường như đã vô thức, bà mới chịu rời chiếc bình ủ bằng đồng thau đựng đầy nước nóng, bọc trong mấy lần khăn bông to dày.
Không phải là bởi chiếc bình thật là cao giá. Mà bởi chính là nó thật sự cần thiết cho bà. Mấy hôm ấy, trời Hà Nội đang kỳ rét đậm. Hiếm có đợt rét nào kéo dài như đợt rét đầu tháng giêng năm Tân Tỵ 2001. Đấy chính là chiếc bình ủ bằng nước nóng, thay cho lò sưởi giữ ấm thân thể.
Chiếc bình ấy tôi biết, nó có từ thuở sinh thời bà ngoại tôi, tức là bà mẹ chồng của mợ.
![]() |
Bình tích đồng thau |
Ngày xưa khi còn nhỏ, mỗi kỳ rét đậm, nhất là trong tiết đại hàn, tôi rất thích được vào ngủ cùng bà ngoại, vì bà thường để chiếc bình ủ ấy trong chăn, ấm ơi là ấm! Có đêm, thấy bà sẽ sàng trở mình, tôi mơ màng tỉnh giấc, thì ra là bà đang gượng nhẹ trở dậy để gỡ bớt một lượt khăn bông quấn bên ngoài chiếc bình, chắc là do nước trong bình đã giảm hơi nóng. Rồi dúi nó lại bên mình tôi, ý là để cho cháu ngoại được ngủ ngon thêm một lát trước giờ đi học.
Khi tôi lớn lên, dì Hai tôi sinh thêm em bé. Mỗi lần trời trở nồm, mưa phùn ẩm ướt, quần áo phơi cách nào cũng không khô, bà tôi liền lấy chiếc bình đồng ấy, đồ đầy nước sôi già, rồi quấn cả đám tã lót ướt của em tôi vòng quanh. Chỉ chừng nửa buổi, gỡ ra là chúng khô cong, thơm phức. Ngày ấy, những năm sáu mươi bẩy mươi của thế kỷ trước, lấy đâu ra lò sưởi điện hay máy sấy như bây giờ.
Đến mùa hạ, khi hoa sen đầu mùa chớm nở, mẹ tôi quen lệ ướp vài ba cân trà mạn để dành tiếp khách. Chiếc bình đồng lại được trưng dụng để sấy trà. Bà cho trà đã rắc gạo sen vào những túi giấy bóng mờ, gọi là giấy nến, dán kín lại. Rồi xếp những túi giấy vòng trong lòng chiếc thúng nan. Đoạn, bà đặt chiếc bình tích đã đổ đầy nước sôi già vào giữa thúng. Ủ thêm mấy tấm khăn bông vải to đùng. Qua một ngày đêm sẽ dỡ trà đem sàng bỏ lớp gạo hoa cũ, thay lớp gạo hoa mới. Cứ dăm lần ướp và ủ như thế mới hoàn thiện một mẻ trà hương. Mẹ tôi bảo rằng, trà sấy cách thuỷ kiểu ấy tuy hơi lâu nhưng bền hương, không dễ khét như trà sấy vội, kiểu sấy điện hay sấy than.
Tôi lớn lên, vào đại học, rồi đi lấy chồng, ra ở riêng. Tôi nhớ, ngày tôi sinh con đầu lòng, cũng vào một ngày tháng mười chớm đông năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đích thân bà ngoại tôi còn đi xích lô xuống thăm. Tay bà ôm khư khư chiếc bình đồng thau, để cho tôi dùng ủ tã cho chắt ngoại, khiến tôi cảm động vô cùng. Bởi khi ấy, nhà tôi đang gặp hoạn nạn, vợ chồng xa cách, tôi sinh con, nuôi con một mình, hay tủi thân lắm. Sau đó, theo thời gian, cuộc sống khấm khá lên, vợ chồng tôi cũng sắm đủ, nào là máy sấy, lò sưởi điện, máy điều hòa hai chiều.
Tôi dần dần quên bằng chiếc bình đồng cổ. Hình ảnh cuối cùng về nó mà bấy lâu nay, thi thoảng tôi còn nhớ tới, là hình ảnh của bà ngoại tôi, mặc chiếc áo bông dài trần quân cờ, đầu trùm khăn mỏ quạ, tay thu lu chiếc bình ủ, trong một chiều đầu xuân giá lạnh trước khi bà tôi qua đời ít lâu. Ngày ấy thế mà cách đây đã gần bốn mươi năm.
Khi bà tôi khuất núi, chiếc bình được truyền cho cô con dâu, tức là người mợ hiền của tôi. Giữa đất Hà Nội những năm cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ XXI, mà mợ tôi vẫn dùng chiếc bình ủ ấy, bởi vì nhà mợ vốn không dư giả gì. Mà cũng bởi vì nhà mợ đun bếp than suốt ngày, nước non rất tiện. Rồi còn bởi một lý do vô cùng thiêng liêng nữa. Đó là gia đình bên ngoại tôi vốn quê gốc ở làng đúc đồng Bắc Ninh, làng Dí Hạ, tên chữ là làng Đào Viên thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành. Sau họ tộc theo lên sinh sống và hành nghề ở làng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch, rồi chuyển về ở phố Hàng Đồng mở cửa hàng buôn bán. Có một thời nhà nước quản lý nghiêm ngặt. Nghề đúc đồng và buôn bán đồ đồng bị cấm, gia đình bên ngoại tôi đành phải bỏ nghề trong khoảng vài ba chục năm, mới khôi phục lại cửa hàng, cũng chả dám bày biện to tát gì.
Vào thời buổi khó khăn đó, những món đồ đồng như xanh nồi, đỉnh đèn, lư hương thật là những món đồ cổ quý giá. Chiếc bình đồng cũng vậy. Cậu mợ tôi thi thoảng mua được một mẻ thiếc vụn, đem đúc thành một thoi trên bếp than quả bàng ở sân sau, để bán cho những nhà hàn nồi hàn xoong bên phố Hàng Thiếc, và để hàn chính chiếc bình đồng này những lúc nó không may bị đánh rơi sứt vỡ. Mỗi lúc làm vụng làm trộm một mẻ hàng như thế, cứ phải cài then đóng chặt cửa nhà. Công an mà biết được thì hết đường sống.
Mợ tôi là một người đàn bà phố cổ, nhà ngoại của mợ ngay bên phố Thuốc Bắc. Tên cúng cơm của mợ là Chung. Mãi sau tôi mới biết. Chứ toàn gọi mợ theo tên cậu Liên tôi. Mợ rất đảm đang, chịu khó và nhẫn nhịn. Mợ nhất mực phục tùng và e sợ cậu tôi, một giai phố cổ chính hiệu, con trai duy nhất của ông ký tòa cũ, mà sang thời chế độ mới, thành anh công nhân. Anh công nhân nhưng vẫn không bỏ nếp sống "cậu ấm" cũ. Mợ tự hiểu mà phục vụ. Kể cả suốt một thời chiến tranh bao cấp khó khăn ngặt nghèo, mợ vẫn thổi riêng cho cậu tôi một cái niêu mốt đồng điếu cơm gạo quê.
Còn cả nhà ăn cơm gạo mậu dịch. Cậu tôi dù thời buổi nào cũng giữ thói quen đọc sách và sưu tầm sách. Cậu cần đến tiền mua sách và tiếp đãi trà rượu các bạn bè yêu văn chương, là mợ tôi phải đưa, bất biết nhà thiếu đủ ra sao. Không một câu than thân trách phận.
Nghĩ lại mà thương mợ quá.
Sau này, có lần vào thăm mợ, lúc trà nước rôm rả, tôi vui miệng nói đùa: "Khi nào mợ hai năm mươi, mợ nhớ cho con chiếc bình đồng, còn con không xin gì cả". Thế mà mợ tôi cười, đưa tay vuốt đôi khóe miệng tươi màu nước cốt trầu, hàm răng đen hạt na lấp lánh. Mợ bằng lòng ngay. Bởi vì tôi là một đứa cháu gái rất được mợ yêu quý. Dù hoàn cảnh riêng còn nhiều vất vả, song tôi bao giờ cũng vẫn nhớ qua lại đỡ đần, thăm hỏi mợ và các em tôi, nhất là khi cậu tôi đã sớm đi xa, để lại mợ với gánh nặng nuôi bốn đứa em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, học hành còn dang dở.
Ngờ đâu, mợ tôi đột ngột qua đời, không kịp dặn dò cháu con lấy một lời. Hôm cúng ba ngày mợ, em Tuyết tôi dỡ chiếc bình từ trong bọc khăn bông tưởng còn ấm hơi mợ, dốc nước trong bình cho hết để đưa cho tôi. Nước mắt tôi ròng ròng chảy theo dòng nước trong vắt róc rách tuôn xuống tự cổ bình. Khi đỡ chiếc bình trên tay, tôi thấy nó dường như bé hẳn đi so với trí nhớ xưa cũ của mình. Duy chỉ cái hình dáng đặc biệt hệt như một chiếc bánh dày đại trong đám hội làng, là tôi thấy y nguyên. Khắp mình nó đầy vết lồi lõm, sứt vỡ, dù đã được mợ tôi nhờ người hàn lại bằng những mối hàn thiếc.
Vậy mà trong vệt sáng lung linh, mờ ảo nơi thân bình, tôi như thấy hiện lên hình ảnh của những người đàn bà thân yêu nhất trong cuộc đời tôi nay đều đã khuất xa. Bà ngoại, mẹ tôi, dì tôi, mợ tôi, những người đàn bà, con gái, con dâu của làng nghề đúc đồng cổ xưa, vất vả, tảo tần, thương cháu, yêu con nhất mực.
Tôi đem chiếc bình về nhà, ủ mẻ chua và xin nắm cát đen đánh sạch bóng, lấy rượu thơm tráng lại, đem để cạnh chiếc tráp trâu khảm trai, bịt viền đồng là kỷ vật của mẹ tôi để lại, và những món đồ đồng khác mà tôi đi du lịch các nước mang về, cũng như những tác phẩm đồ đồng mỹ nghệ của các nghệ nhân Hà Nội mà tôi sưu tầm được trong những năm đi làm báo hình tại Đài Hà Nội.
Các con tôi về nhà thấy chiếc bình là lạ, méo mó và xấu xí để trong phòng khách, chúng ngạc nhiên lắm. Bởi vậy tôi đã kể lại chuyện cho chúng nghe. Và đó chính chính là câu chuyện này đây.
Các bạn tôi ơi!
Nội dung bài viết “Chiếc bình tích đồng thau” đến đây xin được tạm dừng, cảm ơn quý vị đã dành thời gian lắng nghe. Thân ái chào tạm biệt quý vị và các bạn!