Chưa tận dụng hiệu quả
Gần đây, nhiều loại đặc sản đã được xây dựng CDĐL. Từ chỗ chỉ có 26 sản phẩm, đến nay đã có 73 sản phẩm có CDĐL (67 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài); 38,09% sản phẩm là trái cây; 22,22% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 4,76% thủy sản; 11,11% gạo và 23,82% là các sản phẩm khác.
Là một bộ phận của Đề án "Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", mới đây, Bộ Công Thương đã thực hiện điều tra, khảo sát tình hình xây dựng, quản lý và sử dụng CDĐL. Sau khi tiến hành điều tra, thu hồi phiếu, nhóm điều tra thực hiện làm sạch phiếu. Kết quả thu về được 95/160 phiếu của cơ quan quản lý nhà nước và 653/880 phiếu của doanh nghiệp, tổ chức tập thể, cá nhân.
![]() |
Nước mắm Phú Quốc - thương hiệu được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý |
Kết quả "Điều tra, khảo sát đánh giá tình hình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý để xây dựng giải pháp phát huy, nâng cao giá trị của các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước" do Vụ Kế hoạch và Trung tâm Tư vấn, đào tạo công nghiệp và thương mại, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thực hiện cho thấy: CDĐL được sử dụng thường xuyên chỉ chiếm 9,52%, trong khi đó, CDĐL chỉ sử dụng thử nghiệm lên đến 90,48%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do phần lớn các địa phương chưa triển khai hiệu quả hoạt động nhằm phát triển các kênh thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm. Do đó, chưa tạo ra sự khác biệt về giá trị kinh tế của sản phẩm trước và sau khi CDĐL được đăng ký.
Tình trạng các CDĐL sau khi được cấp văn bằng bảo hộ xong bị bỏ lửng không sử dụng khá phổ biến (chiếm tới trên 80%). Đó là trường hợp của tiêu Quảng Trị, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), gạo Nàng Nhen thơm (An Giang), cói Nga Sơn (Thanh Hóa), thịt cừu (Ninh Thuận)… Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính do quá trình xây dựng CDĐL được hỗ trợ về kinh phí nhưng sau đó không có sự hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo nên các cơ quan quản lý lúng túng.
Cùng với đó, tại các địa phương, tình trạng xâm phạm CDĐL vẫn diễn ra đối với các nông sản đặc trưng vùng miền, giá trị kinh tế cao như vải thiều Lục Ngạn, sâm Ngọc Linh, nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng… Việc lập lờ CDĐL, mạo nhận sản phẩm không chỉ làm doanh nghiệp sản xuất uy tín điêu đứng, mà còn gây ngộ nhận, mất niềm tin ở người tiêu dùng ...
"Vũ khí" bảo vệ hàng Việt Nam
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, việc đăng ký CDĐL hết sức quan trọng. Sản phẩm có CDĐL sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Ông Bùi Kim Đồng – chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - cho rằng, cần tập trung giải mã được nhu cầu đích thực của khách hàng và người tiêu dùng; tạo và chia sẻ giá trị ngay ở các khâu trong chuỗi một cách hợp lý. Đồng thời, bảo đảm khâu hậu cần logistics, có được chiến lược truyền thông và thông tin, quảng bá sản phẩm. Yếu tố cuối cùng đó là xây dựng được mối quan hệ bền chặt trong chuỗi theo hướng hợp đồng phải căn cứ vào tiêu chuẩn chất lượng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ tăng tốc cho "cuộc đua" xây dựng CDĐL mà cần khắc phục các điểm yếu trong triển khai, phát huy hiệu quả, giá trị mà CDĐL mang lại. Xây dựng, phát triển và tiếp thị là 3 yếu tố song hành của các sản phẩm được bảo hộ CDĐL. Trong đó, phát triển và tiếp thị sản phẩm CDĐL cần nhấn mạnh vai trò của ngành Công Thương và nông nghiệp. Sản phẩm CDĐL phải là 1 trong những sản phẩm được tập trung ưu tiên của Chương trình OCOP các địa phương.
Để việc xây dựng, quản lý và sử dụng CDĐL đạt hiệu quả, cần lựa chọn và tập trung xây dựng CDĐL cho một số sản phẩm đặc sản chế biến có giá trị gia tăng cao; xây dựng chương trình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại dành cho sản phẩm đã được cấp văn bản bảo hộ CDĐL nhằm giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa CDĐL trở thành dấu hiệu ưu tiên của người tiêu dùng…
Ngoài việc phối hợp tốt giữa 3 Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CDĐL có hiệu quả hay không quyết định là ở các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. |