Cần Thơ: Xây dựng lộ trình cho khuyến công

UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Chương trình khuyến công đến năm 2020, trong đó xác định nhiều mục tiêu cụ thể, lộ trình và giải pháp thực hiện.
\"\"
Nội dung đào tạo tập trung vào các nghề có nhiều tiềm năng

Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia, hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn; khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí, tài nguyên và bảo vệ môi trường; hướng hoạt động khuyến công vào thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp (DN), làng nghề, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm CN - TTCN.

Cụ thể năm 2017, thành phố phấn đấu đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề TTCN cho khoảng 140 lao động; tổ chức 4 lớp đào tạo khởi sự DN và nâng cao năng lực quản lý cho khoảng 200 học viên; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ 2 cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn…

Giai đoạn 2018-2020, thành phố đặt mục tiêu cao hơn cho hoạt động khuyến công. Theo đó, khuyến công thành phố có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề cho 490 lao động; tổ chức 6 lớp khởi sự DN; hỗ trợ 18 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tư vấn sản xuất sạch hơn cho 8 DN; hỗ trợ 20 lượt DN tham gia hội chợ, triển lãm trong nước…

Đáng lưu ý, các nội dung, đề án trong chương trình đều tập trung vào thế mạnh của thành phố. Đơn cử, nội dung đào tạo nghề, truyền nghề chủ yếu là ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành, tập trung vào các ngành nghề có nhiều tiềm năng, như: Đan bội, đan lục bình, đan cần xé… Các lớp đào tạo chỉ được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu cụ thể về lao động của các cơ sở CNNT.

Tương tự, nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, thiết bị thân thiện với môi trường, tiêu hao ít năng lượng…

Thực tế những năm qua, Cần Thơ đã dành nhiều nguồn lực triển khai công tác khuyến công và tạo sự thay đổi mạnh mẽ về năng lực sản xuất của các cơ sở CNNT trên địa bàn. Riêng năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Cần Thơ đã triển khai thực hiện hiệu quả 18 đề án thuộc 9 nội dung, trọng tâm là tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, tập huấn về khởi sự và nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành DN…

Tuy nhiên, do nhân lực cho công tác khuyến công còn thiếu đã ảnh hưởng tới chất lượng khảo sát, xây dựng đề án và tiến độ triển khai. Đa số các cơ sở CNNT là DN nhỏ, hộ cá thể, tiềm lực tài chính hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, thiếu chiến lược phát triển dài hạn nên dễ biến động trong quá trình đầu tư…

Để khắc phục những tồn tại trên, thành phố sẽ rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý chương trình, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án. Chủ động xây dựng kế hoạch nhằm tận dụng nguồn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia; cân đối bố trí kinh phí khuyến công địa phương hàng năm để thực hiện chương trình hiệu quả; tranh thủ tối đa và lồng ghép với các chương trình khác để có thêm nguồn lực; khuyến khích DN, cơ sở nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất, ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường...

Kinh phí thực hiện Chương trình Khuyến công Cần Thơ đến năm 2020 dự kiến 18,5 tỷ đồng. Căn cứ vào đề xuất của Sở Công Thương, hàng năm Sở Tài chính thành phố cân đối kinh phí từ ngân sách để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công.
Hải Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận