![]() |
Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thu hút nhiều du khách tới tham quan |
Nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cần Thơ có điều kiện tự nhiên phong phú với đất đai phì nhiêu, màu mỡ, hệ thống kênh rạch chằng chịt rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là sinh thái miệt vườn. Để trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực ĐBSCL, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút du khách với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch khá đồng bộ và hoàn chỉnh.
TP. Cần Thơ hiện có 226 cơ sở lưu trú du lịch với nhiều nhà hàng, hội trường với tổng sức chứa trên 1.000 chỗ với những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ các cuộc hội nghị lớn mang tầm quốc gia và quốc tế như Victoria Cần Thơ Resort (đạt tiêu chuẩn 4 sao, là một trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thành phố, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông Hậu), khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 5 sao... Ngành du lịch thành phố đang có những bước chuyển mình tích cực, từ việc xây dựng, triển khai các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến đặc trưng đến các hoạt động liên kết, quảng bá… nhằm tạo vị thế cũng như hình ảnh du lịch. Năm 2015, thành phố đón trên 1,7 lượt khách lưu trú, đạt 118% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 1.747 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo ông Trần Việt Phường - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ - để ngành du lịch phát triển bền vững và hội nhập, Cần Thơ đã định hướng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch đặc trưng. Thành phố đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP. Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, tập trung xây dựng các loại hình du lịch đặc thù để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế như: Du lịch MICE (du lịch hội họp, khen thưởng, hội nghị, hội thảo và triển lãm); du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống và du lịch cộng đồng (homestay). Để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của các quận, huyện trên địa bàn, thành phố đã tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; chú trọng phát triển du lịch đường sông gắn với tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống; tập trung khai thác các di tích văn hóa, lịch sử và các lễ hội; đưa Nông trường sông Hậu và Viện lúa ĐBSCL tham quan du lịch; kết hợp các hoạt động nông nghiệp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch homestay…; hướng tới phát triển du lịch Cần Thơ hiệu quả và bền vững.
Những thành quả đạt được cùng với định hướng đề ra sẽ tạo đòn bẩy đưa du lịch Cần Thơ ngày càng phát triển bền vững, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở khu vực ĐBSCL. |