Cần chính sách cụ thể cho người có uy tín

“Cùng với sự kiện ghi nhận, biểu dương, tôn vinh người uy tín tiêu biểu, việc đánh giá đúng và dành sự quan tâm hơn nữa với người có uy tín sẽ tiếp tục là hoạt động được đặc biệt chú trọng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh.
\"\"
Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cùng đại biểu người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc vui chung điệu xòe đoàn kết

Hạt nhân tích cực trong công tác tuyên truyền

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quyết định quan trọng đối với người có uy tín. Cụ thể như Chỉ thị 06/2008/CT-TTg “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số địa phương, vai trò của người uy tín vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. 

Nhiều địa phương do dân cư sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế, nên một số thôn, xóm chưa bầu chọn được người có uy tín, một số ít người có uy tín sau khi được bầu chọn chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình. Không ít người uy tín rất tâm huyết, nhiệt tình với công việc của thôn, bản nhưng lại không nhận được sự ủng hộ, khích lệ của chính quyền. Nhiều cán bộ chính quyền thì ái ngại vì “đóng góp của người có uy tín thì đã thấy rõ”, nhưng lại thiếu quy định cụ thể nên chế độ cho người có uy tín vẫn chỉ mang tính chất “động viên”...

Từ thực tế này, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quy định cụ thể về định mức kinh phí thực hiện chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS thống nhất trên toàn quốc, làm cơ sở cho các địa phương căn cứ thực hiện.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bổ sung, sửa đổi các chính sách về người có uy tín phù hợp với thực tiễn cơ sở. Ban hành quy chế, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của người có uy tín và hướng dẫn cơ sở  trong việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín ở địa phương. Có cơ chế trợ cấp hàng tháng (theo mức từ 0,2 - 0,5 mức lương tối thiểu chung/người/tháng) để hỗ trợ chi phí đi lại, tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin giữa người có uy tín với cấp uỷ, chính quyền. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách về người có uy tín ở các địa phương để phát hiện những điểm chưa thống nhất giữa các đơn vị về sử dụng kinh phí cũng như cách thức thực hiện để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh...

Bồi dưỡng, phát huy vai trò người có uy tín

Người có uy tín trong đồng bào DTTS đa phần là những người được đồng bào tín nhiệm, tự nguyện đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến; có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định với cộng đồng dân cư; có khả năng chi phối, tập hợp đồng bào... Chính vì thế, về phía các địa phương có đông người uy tín, việc bồi dưỡng, phát huy người có uy tín phải được xác định là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Quyết định về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, chính quyền địa phương cần quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của người có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình. Đồng thời, từ thực tế của địa phương, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách cho người có uy tín ngày một sát với thực tiễn và thực hiện chính sách có hiệu quả cao hơn.

Nêu cao vai trò nòng cốt trên các mặt trận

Để người uy tín xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, mong muốn: Người có uy tín sẽ tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt trên các mặt của đời sống xã hội, tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu, đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước; động viên người thân trong gia đình, dòng họ và mọi người trong thôn, bản phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, là người dân bản địa, có những hiểu biết nhất định về phong tục, tập quán và chính sách, chế độ của nhà nước dành cho đồng bào DTTS. Chính vì vậy, người có uy tín cần tích cực giám sát chính quyền cơ sở, nhất là ở xã, thôn, bản, trong việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với đồng bào DTTS; nắm vững tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề xuất với chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời…

PV
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận