Cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động

Công tác chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) cho người lao động của Chính phủ trong thời gian qua đã góp phần phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Trên 14.000 người lao động được hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN

Giai đoạn từ năm 2016-2020, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng cho 14.255 trường hợp mới, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần cho 30.633 người (trong đó chết do TNLĐ, BNN là 3.517 người).

Nếu trong năm 2016, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN là 12.758.230 người thì đến năm 2020 con số này đã là 14.946.965 người, tăng 17,2% so với năm 2016, tương ứng tăng 2.188.735 người. Trong giai đoạn từ 2016 - 2019, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN tăng đều qua các năm với tỷ lệ bình quân là 5,76%.

Riêng năm 2020, số người tham gia giảm 0,94% so với năm 2019, tương ứng giảm 142.010 người. Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề, lĩnh vực vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch, giáo dục và một số ngành nghề sản xuất hàng hóa xuất khẩu (may mặc, giày da) làm cho nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến tình hình tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Về tình hình thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, việc thay đổi tỷ lệ mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN từ 1% xuống 0,5% kể từ ngày 1/6/2017 theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có tác động không nhỏ đến kết quả công tác thu bảo hiểm TNLĐ, BNN trong giai đoạn này. Số thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đã tăng trở lại vào năm 2020, đạt 5.175,47 tỷ đồng, tương ứng số với số thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN năm 2017.

Trong đó, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN có hiệu lực từ ngày 15/7/2020 quy định các trường hợp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ 0,5% xuống 0,3% cũng sẽ tác động ít nhiều đến kết quả công tác thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động

Về tình hình giải quyết chế độ cho người lao động bị TNLĐ, BNN. Giai đoạn 2016-2020, BHXH đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng cho 14.255 trường hợp mới, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần cho 30.633 người (trong đó chết do TNLĐ, BNN là 3.517 người). Trong đó, số người giải quyết hưởng TNLĐ, BNN có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2016-2019, nhưng giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, số chi trợ cấp một lần bình quân giai đoạn 2016-2020 là 220 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,75 lần so với số chi bình quân giai đoạn 2013 - 2015, tương ứng tăng 176 tỷ đồng/năm. Trong các nội dung được Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả, số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Với bình quân giai đoạn 2016-2020 số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm 70,4% tổng số chi các chế độ từ nguồn Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Số chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, BNN và số chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chiếm tỷ trọng nhỏ nhất lần lượt là 0,08% và 0,23% so với tổng số chi các chế độ từ nguồn Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Trên 80% người bị TNLĐ, BNN được hưởng chế độ bồi thường

Với mục tiêu là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động và BNN, chăm sóc sức khoẻ người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất TNLĐ chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trên 80% người bị TNLĐ, BNN được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật...

Theo đó, để đạt tới mục tiêu trên, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện chương trình. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống TNLĐ, BNN; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế…

Đồng thời, hỗ trợ triển khai mô hình các giải pháp kỹ thuật an toàn để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN (khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hóa chất, xây dựng và một số ngành, nghề khác). Tăng cường tư vấn các biện pháp và mô hình cải thiện điều kiện làm việc đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã, hộ nông dân làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN…

Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện chương trình; chủ động triển khai các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, quản lý và đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình; phối hợp, lồng ghép nguồn lực của chương trình với các nguồn lực hiện có (nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN...) và nguồn xã hội hóa.

Trang Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận