![]() |
Theo quy định hiện hành, các DN có trụ sở chính tại địa bàn (quận, huyện) nào sẽ phải đăng ký, kê khai, nộp thuế tại chi cục thuế thuộc địa bàn đó, trừ một số trường hợp được kê khai, nộp thuế tại cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Thuế. Đó là quy định được ban hành từ thời kinh tế tập trung bao cấp đồng thời là lý do dẫn đến quy định trong con dấu của DN phải ghi rõ quận, huyện nơi DN đóng trụ sở chính để phục vụ công tác quản lý thuế.
Việc quản lý thuế “cát cứ” theo địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế, song mặt trái của nó lại là sự áp đặt “cứng” đối với các DN- đối tượng nộp thuế- trong quan hệ với cơ quan thuế. Và, một hệ quả tất yếu là khi đã có những “thượng đế bắt buộc” như vậy, công chức thuế hoàn toàn không cần phải “chăm sóc khách hàng”, không cần quan tấm đến các văn bản, chỉ thị về “chấn chỉnh quan hệ giữa cán bộ, công chức thuế với người nộp thuế” liên tục ban hành. Ngược lại, khi công chức thuế có thái độ cửa quyền, sách nhiễu, các DN chỉ biết... cam chịu.
Lịch sử phát triển của các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm quý báu khi xóa bỏ tình trạng “thượng đế bất đắc dĩ” như với cơ quan thuế hiện nay. Trong thời kỳ bao cấp, các DN đóng trên địa bàn nào cũng chỉ được mở tài khoản tiền gửi thanh toán và quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn đó. Vì vậy, đã một thời, các ngân hàng trở thành cơ quan “siêu quyền lực” đối với các DN trong việc rút tiền mặt, vay tiền, thanh toán. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, các DN được tự do lựa chọn ngân hàng để mở tài khoản giao dịch, thanh toán và vay vốn và trở thành “thượng đế” của các ngân hàng thương mại, quan hệ giữa các DN và ngân hàng được cải thiện rõ rệt.
Việc quản lý thuế “cát cứ” theo địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế, song mặt trái của nó lại là sự áp đặt “cứng” đối với các DN trong quan hệ với cơ quan thuế. |
Có ý kiến cho rằng, quan hệ giữa DN với ngân hàng không giống như quan hệ giữa các DN với cơ quan thuế. Nếu cho phép các DN tự do lựa chọn nơi đăng ký kê khai, nộp thuế sẽ tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng DN trốn tránh nghĩa vụ thuế. Song, lo ngại đó chỉ đúng khi chúng ta quản lý DN bằng phương pháp thủ công. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, với sự ra đời và đưa vào hoạt động Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, kẽ hở trên (nếu có) hoàn toàn có thể khắc phục được.
Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính không thể bằng những khẩu hiệu chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể. Cho phép các DN được quyền lựa chọn nơi đăng ký, kê khai nộp thuế là biện pháp quan trọng và có hiệu quả trong công tác quản lý thuế. Vấn đề còn lại chỉ là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có quyết tâm thực hiện hay không?