Các doanh nghiệp ngành nông nghiệp: Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa

Giai đoạn 2011- 2015, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và tiến độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra chậm, công tác thoái vốn chỉ đạt 39,51% so với kế hoạch… Thực hiện hiệu quả và nhanh hơn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
\"\"
Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Theo ông Phạm Quang Hiển - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT đã thực hiện CPH 12 tổng công ty, 2 công ty thuốc thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và và các công ty con của các tổng công ty, vượt so với kế hoạch đề ra 4 DN gồm: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Việt Nam, Công ty cao su Tân Biên, Công ty cao su Bà Rịa. Tổng số tiền thu về từ CPH giai đoạn này là 1.974 tỷ đồng, đến nay đã có 8/10 tổng công ty CPH đã tiến hành bán cổ phần lần đầu tại Sở Giao dịch chứng khoán. Bộ này cũng đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 1 tập đoàn và 11 tổng công ty. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Số vốn đã thoái tính đến ngày 31/12/2015 được 2.175.137 tỷ đồng, đạt 39,51% so với kế hoạch…

Mặc dù được đánh giá là một trong những bộ, ngành thực hiện sắp xếp, CPH hiệu quả về tiến độ, số lượng cũng như chất lượng, góp phần quan trọng vào sắp xếp đổi mới DNNN của cả nước, tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Hiển, tái cơ cấu DNNN ngành nông nghiệp thực tế mới bắt đầu từ năm 2013 và tiến độ diễn ra còn chậm. Hơn nữa, việc triển khai tái cơ cấu chủ yếu là chuyển giao trong nội bộ giữa tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DN nông nghiệp với nhau nên chưa tạo động lực và áp lực cho DN.

Bên cạnh đó, việc thu gọn đầu mối bằng hình thức sáp nhập, hợp nhất DNNN cho đến nay chưa có các giải pháp cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Trong một số trường hợp, còn tạo thêm các DN yếu kém mới do DN không mạnh, lại bị buộc phải tiếp nhận những DN yếu kém khác, hoặc tiếp nhận các dự án đang bế tắc… Ngoài ra, tiến độ thực hiện CPH còn chậm, thời gian thực hiện kéo dài hơn so với quy định. Một số DN không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt. Đáng chú ý, chưa có DN nào thu hút được vốn đầu tư nước ngoài....

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn tới diễn ra giữa tháng 3 mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo: Việc sắp xếp, đổi mới, CPH các DNNN là việc quan trọng, với mục đích là sử dụng hiệu quả vốn, đất đai, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Quan trọng hơn, việc tái cơ cấu DNNN là thành tố tạo ra thành công trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để tái cơ cấu, sắp xếp lại các DN. Trong đó, tập trung sắp xếp, tái cơ cấu DNNN bao gồm các nông, lâm trường quốc doanh, các công ty nông, lâm nghiệp theo phương châm chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhưng đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng tái cơ cấu. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị trực cần bám sát các quy định của nhà nước để thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.

Ông Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN: Mặc dù vượt so với kế hoạch đề ra về số lượng nhưng chất lượng các DN sau khi CPH chưa cao. Đơn cử số vốn do nhà nước nắm giữ tại một số DN sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn nhà nước chiếm đến hơn 90%, dẫn đến tình trạng “bình mới rượu cũ”, các DN sau khi sắp xếp đổi mới vẫn hoạt động theo phương thức cũ.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận