Bộ Công Thương- nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về “triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giúp người dân giảm rủi ro về giá, tìm kiếm đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản”.
\"\"
Nhiều mặt hàng nông sản địa phương đã được hỗ trợ kết nối tiêu thụ

Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy hải sản, trong mấy năm vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu gắn kết với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương, qua đó thúc đẩy sản xuất nông sản trong nước phát triển theo quy mô lớn, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hội nghị trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Điển hình có thể kể đến các hội nghị lớn như: Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; kết nối cung - cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành khác; kết nối hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại thành phố Hồ Chí Minh; kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối tại Huế; kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc; xúc tiến thương mại tiêu thụ vải quả và nông sản…

Theo thống kê sơ bộ, sau 4 năm (2013-2016) thực hiện các chương trình, hội nghị kết nối cung - cầu nêu trên đã có khoảng 3.500 hợp đồng thương mại được ký kết với doanh thu 2 chiều đạt gần 30.000 tỷ đồng.

Ngoài các hội nghị kết nối cung - cầu qui mô lớn, Bộ Công Thương còn chỉ đạo tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu nông sản mang tính thời vụ cao, sản lượng lớn của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Sóc Trăng… để hỗ trợ tiêu thụ, giới thiệu các mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải thiều, hành tím, ổi, na… đến các nhà phân phối lớn như Satra, Hapro, Sài Gòn Co.op, Lotte, AEON, Big C, Vinmart, Fivimart, AEON…; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Long An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nội... tổ chức các hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các mặt hàng công nghiệp nông thôn, nông, lâm, thủy hải sản tiêu biểu của địa phương tham gia giới thiệu, bày bán tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ ở Hà Nội và tham dự Chương trình “Quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam” tại Hà Nội trong các năm 2014, 2015 và 2016.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ của Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu theo phương châm thiết thực, hiệu quả hơn. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường phối hợp ở cấp địa phương giữa các sở công thương với các sở nông nghiệp ở những địa bàn có hàng hóa nông sản khối lượng, sản lượng lớn; thiết lập đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin liên quan đến sản lượng nông sản, giá cả, số lượng nguồn cung… để hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại tất cả các sở công thương và tại Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương./.

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận