Bộ Công Thương làm rõ vấn đề "nóng" tại họp báo Chính phủ

Chiều 05/11, tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã làm rõ nhiều vấn đề các cơ quan thông tấn, báo chí và dư luận quan tâm liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có vụ việc xe ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam có phần mềm chứa hình ảnh vi phạm chủ biển đảo và vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm nguyên liệu nghi gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam

Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm chủ quyền an ninh quốc gia

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến vụ việc ngày 18/10/2019, cơ quan chức năng phát hiện xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc gắn thiết bị định vị vệ tinh (GPS) có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường (Navigator) sử dụng các hình ảnh không đúng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, ngày 21/10, Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty cổ phần thương mại KYLIN-GX668 - đơn vị nhập khẩu xe ô tô nhãn hiệu Zotye và yêu cầu giải trình về sự việc nêu trên.

bo cong thuong lam ro van de nong tai hop bao chinh phu
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Bộ Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chủ quyền biên giới, chủ quyền biển đảo và chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá.

Theo giải trình của Công ty, màn hình thiết bị định vị có sử dụng bản đồ Trung Quốc, mặc định không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu. Công ty đã kiểm tra màn hình định vị tại Việt Nam và nhận thấy không có thông tin định vị các vị trí bản đồ Việt Nam, nhưng sơ xuất không kiểm tra phần định vị bản đồ thế giới và Trung Quốc nên không phát hiện bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” trên ứng dụng.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này thông báo công khai và thu hồi toàn bộ ô tô do Công ty nhập khẩu để kiểm tra, khắc phục vi phạm. Công ty phải bảo đảm khắc phục vi phạm đối với toàn bộ ô tô do công ty nhập khẩu trước ngày 30/11/2019.

“Đến thời điểm trên, nếu công ty vẫn chưa khắc phục xong, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho Công ty” – Thứ trưởng Hưng nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp này hàng tuần phải báo cáo về Bộ Công Thương tình hình khắc phục vi phạm cho đến khi khắc phục xong. Ngoài ra, công ty phải yêu cầu nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, cài đặt hoặc gửi kèm theo ô tô bất kỳ thiết bị, tài liệu, hình ảnh nào vi phạm pháp luật của Việt Nam, kể cả dưới dạng điện tử.

Cùng với các biện pháp xử lý kịp thời nói trên, Thứ trưởng Hưng cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô rà soát và báo cáo về tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm bản đồ trên ô tô, có báo cáo về Bộ trước ngày 15/11/2019.

Các doanh nghiệp này cũng phải yêu cầu nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật về thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam. Đổng thời, phải tiến hành rà soát các hợp đồng, văn bản pháp lý giao kết với người bán hàng để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật về thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biến giới quốc gia của Việt Nam.

Về biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, ngày 01/11/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các sở Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ tăng cường kiểm tra các hoạt động thương mại trên địa bàn liên quan đến tất cả các lĩnh vực, ngành hàng và các hình thức kinh doanh, từ thương mại, xuất – nhập khẩu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chủ quyền biên giới, chủ quyền biển đảo và chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá.

Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân không kinh doanh, xử dụng các sản phẩm có vi phạm tương tự và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện hàng hoá có hình ảnh, thông tin vi phạm chủ quyền an ninh quốc gia.

[WIDGET_VIDEO:::1467]

Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xử lý

Liên quan đến tiến trình xử lý và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vụ việc cơ quan chức năng phát hiện kho nhôm nguyên liệu có khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 4,3 tỷ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, từ cuối năm 2016, qua theo dõi truyền thông nước ngoài, Bộ Công Thương nắm được thông tin về việc có một lượng lớn nhôm nhập khẩu về Việt Nam, tập kết tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ nhận định tình hình thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, hiện tượng né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại xảy ra ngày càng nhiều và ở nhiều quốc gia nên dù thông tin mới ở mức nghi vấn, song Bộ Công Thương vẫn chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra đề xuất về vấn đề này. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan.

Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trị giá tổng cộng của các lô hàng đã được cấp C/O tính đến thời điểm kiểm tra là không nhiều, chỉ chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhôm của doanh nghiệp. Và 82% sản phẩm xuất khẩu còn lại doanh nghiệp không xin cấp C/O Việt Nam. Đặc biệt, lượng sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chỉ chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu, trong đó, trị giá xin cấp C/O Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%.

“Sau khi kiểm tra, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tổ chức cấp C/O ở khu vực Vũng Tàu để hướng dẫn và yêu cầu tăng cường quản lý công tác cấp C/O cho mặt hàng nhôm” – Thứ trưởng Hưng thông báo và cho biết, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát các biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm, kịp thời phát hiện các hành vi gian lận và xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm xuất xứ hàng hoá.
Hoàng Châu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận