Bình Thuận: Ngành Công Thương tăng trưởng trong bão dịch

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận năm 2020 cơ bản hoàn thành các chương trình công tác đề ra, đảm bảo chất lượng, giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng so với năm 2019, hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo của Sở Công Thương Bình Thuận cho thấy, trong điều kiện tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ; sự chồng lấn quy hoạch titan với các dự án khác; ảnh hưởng lớn của đại dịch bệnh Covid-19,… đã gây tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng ngành Công Thương đã thực hiện khá tốt các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương.

Giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng

Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành đều có tăng trưởng so với năm 2019 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.390,2 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 13,94%; với các nhóm sản phẩm chủ yếu tăng như sản lượng điện phát ra (tăng 17,48%), hạt điều nhân (tăng 11,28%), cát sỏi các loại (tăng 7,02%), muối hạt (tăng 7,14%)... Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 60.503,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2020 ước đạt 464,5 triệu USD.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt; tình hình thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân nhất là tại thời điểm dịch bệnh Covid-19. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển với nhiều loại hình đa dạng.

Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm, chuyển đổi phương thức thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mang lại một số hiệu quả nhất định. Hoạt động khuyến công đạt kết quả tốt, từng bước tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Với kết quả đó, ngành Công Thương tỉnh Bình Thuận cơ bản đã hoàn thành các chương trình công tác đề ra trong năm kế hoạch; đảm bảo chất lượng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Mặc dù đạt những kết quả nổi bật, năm 2020, công tác quản lý nhà nước của Sở Công Thương tỉnh vẫn còn những hạn chế như việc phối hợp, đề xuất, tháo gỡ vướng mắc trong chồng lấn quy hoạch titan kết quả còn chậm. Tiến độ xây dựng và thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp chưa có nhiều tiến triển. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Công tác tham mưu tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong nước và nước ngoài kết quả chưa cao.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đặc biệt ngành công nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột quan trọng để tập trung phát triển gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị. Xác định tầm quan trọng đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2021 tiếp tục thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịnh bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức triển khai, tham mưu đầy đủ 100% và đúng thời hạn các báo cáo, ý kiến chỉ đạo, kết luận của thường trực tỉnh ủy, thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; nhất là các nội dung chỉ đạo có liên quan đến Sở Công Thương trong Chương trình công tác, Chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Làm tốt việc rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách: ưu đãi, thu hút đầu tư… để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Phối hợp thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch các hợp phần về công nghiệp, thương mại, năng lượng của ngành tích hợp vào quy hoạch tỉnh, làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác xúc tiến đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực ngành.

Bám sát, giải quyết các vướng mắc khó khăn phát sinh, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng của ngành như Trung tâm điện lực Sơn Mỹ, Trung tâm dịch vụ logistics Vĩnh Tân... Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương, uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan có phương án xử lý hữu hiệu tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm lợi thế của tỉnh… Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng thực hiện việc chuyển đổi phương thức kết nối cung cầu truyền thống sang hinh thức trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Tìm kiếm thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở theo các nhóm ngành hàng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; duy trì và làm tốt các công việc ở bộ phận một cửa; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.

Thu Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận