Bình Dương: Sẵn sàng kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong từng doanh nghiệp

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt số ca nhiễm dịch Covid-19 liên tục tăng trong các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh, Bắc Giang, tỉnh Bình Dương đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch lên mức cao nhất, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó dịch trong từng doanh nghiệp.

Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch Covid-19 lên mức cao nhất

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với gần 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hơn 51.300 doanh nghiệp (DN) trong nước. Tổng số công nhân lao động đang làm việc trong DN trên địa bàn Bình Dương khoảng 1,2 triệu người.

Doanh nghiệp tại các KCN Bình Dương vừa nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng tại các KCN, CCN, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh - cho biết, đã có văn bản hoả tốc yêu cầu các DN trong và ngoài các KCN thực hiện nghiêm các phương án phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng và các Bộ ngành Trung ương.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý các KCN phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (đối với các DN ngoài KCN) khẩn trương chỉ đạo các KCN, đơn vị, DN thuộc phạm vi địa bàn quản lý xây dựng Kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho phù hợp, khả thi của đơn vị mình. Đồng thời, xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể phát sinh các trường hợp F0, Fl, F2, F3 theo từng cấp độ từ thấp đến cao để có giải pháp ngăn chặn, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Các DN phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh.

“Trường hợp các DN không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch thì dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương khẳng định.

Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương - cho biết, thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”, Ban Quản lý đã kịp thời có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, DN trong KCN triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo về phòng chống bệnh dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về phòng chống dịch.

Đặc biệt, Ban quản lý cùng với DN trong các KCN đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của ngành y tế. Cụ thể, Ban quan lý yêu cầu công nhân KCN thực hiện khai báo y tế hàng ngày, thực hiện giãn cách trong lao động, sản xuất. Người quản lý KCN, lãnh đạo DN chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, đặc biệt, không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc.

“ Qua kiểm tra, các DN và người lao động trong các KCN Bình Dương rất ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế, UBND tỉnh” - ông Bùi Minh Trí nhấn mạnh.

Sẵn sàng phương án ứng phó dịch trong từng dây chuyền sản xuất

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời, bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp theo chỉ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cũng vừa xây dựng phương án “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Theo đó, ngành y tế Bình Dương xây dựng 2 tình huống dịch bệnh và chuẩn bị các phương án cách ly khi có ca nhiễm bệnh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN. Cụ thể, trong trạng thái chưa ghi nhận ca bệnh, Sở lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN phải thiết lập kênh liên lạc thông tin về công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, DN phải tự tổ chức, đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và ứng phó các trường hợp sốt, trường hợp F1, F2.

Đối với tình huống có ca nhiễm Covid-19 tại KCN, cơ sở sản xuất kinh doanh, DN có biện pháp chống dịch cần làm ngay là khoanh vùng, truy vết thần tốc các trường hợp liên quan và dập dịch triệt để. Đáng chú ý, ở phương án này, ngành y tế còn xây dựng chi tiết, xử lý ca bệnh từ hẹp đến rộng, trong tình huống có ca dương tính Covid-19 ở hầu hết các dây chuyền, phân xưởng sản xuất hoặc một vài dây chuyền sản xuất hay có thể chỉ một dây chuyền, phân xưởng ghi nhận bệnh.

Liên quan đến phương án cách ly, ngành y tế Bình Dương dự kiến sử dụng các khu ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân có sẵn tại DN, sử dụng nhân lực nấu ăn tại DN để cung cấp các suất ăn cho công nhân thuộc diện cách ly tại KCN trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Tại Bình Dương, các khu cách ly tập trung hiện có sức chứa khoảng 2.500 - 5.000 giường. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số trường hợp cách ly nhiều sẽ sử dụng tất cả các cơ sở giáo dục để làm cơ sở cách ly tập trung.

Theo ghi nhận, hiện Ban quản lý KCN đang tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch. Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt Công điện hỏa tốc số 680 của Thủ tướng Chính Phủ về yêu cầu bảo đảm an toàn Covid-19 trong các KCN, với quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong KCN và cộng đồng.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Minh Khuê
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận