Bình Định: Gỡ khó cho công tác khuyến công

Mức hỗ trợ cho đề án còn “rụt rè”, chỉ bằng 50-70% so mức quy định, thủ tục thanh toán, quyết toán chưa hợp lý… là những trở ngại khiến nguồn vốn khuyến công của Bình Định chưa hấp dẫn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

\"\"

Theo số liệu Sở Công Thương Bình Định, tỉnh hiện có hơn 22 nghìn cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 2%, còn lại là các hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có khoảng 8.000 cơ sở kinh doanh hoạt động tại 50 làng nghề và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, khả năng đầu tư chưa cao, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế.

Đồng hành cùng các cơ sở CNNT, giai đoạn 2012-2015, khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cho các cơ sở trên 9.180,8 triệu đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 5.362,2 triệu đồng, chiếm 55,4% tổng nguồn kinh phí. Riêng năm 2015, khuyến công Bình Định hỗ trợ cho 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 770 triệu đồng, 12 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí là 1.680 triệu đồng. Nguồn kinh phí này tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư công nghệ, ứng dụng máy móc tiến tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Bình Định, trong quá trình triển khai công tác khuyến công còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới hiệu quả cũng như sức hấp dẫn của nguồn vốn khuyến công. Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ theo quy định đã thấp so với nhu cầu thực tế nhưng khi xét hỗ trợ cho từng đề án, mức hỗ trợ rút lại chỉ bằng 50-70% so với mức quy định, không tạo được sức hấp dẫn với các cơ sở. Việc xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm phần lớn dựa trên cơ sở doanh nghiệp đã và đang đầu tư. Các đề án hỗ trợ doanh nghiệp mới có kế hoạch đầu tư thường rất khó triển khai, tiến độ thực hiện chậm. Nhiều khi đến giữa năm mới được phân bổ kinh phí, trong khi theo quy định về thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ phải được giải ngân trong năm..

Cùng với đó, các cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị mới khá đơn điệu, khả năng tiêu thụ, cạnh tranh kém… Vì vậy, hầu hết các cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất.

Để công tác khuyến công phát huy hiệu quả, thúc đẩy các cơ sở CNNT phát triển, Sở Công Thương Bình Định đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên một số nội dung để thực hiện công tác khuyến công chuyên sâu và đạt hiệu quả cao hơn; tích cực giới thiệu các mô hình, đề án khuyến công điển hình để các cơ sở CNNT học hỏi kinh nghiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đối tượng thụ hưởng trong quá trình thực hiện đề án.

Sở Công thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khảo sát, nghiên cứu các mô hình, tìm hiểu thị trường đầu ra, qua đó tư vấn, giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNTcó định hướng đầu tư phù hợp. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn các cơ sở CNNT cập nhật thông tin, tăng chi phí cho công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, phát triển mạng lưới cộng tác viên sâu rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình, hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở CNNT.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, các đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả tích cực. Riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiến tiến vào sản xuất, các đề án đã thu hút vốn đối ứng của các doanh nghiệp, cơ sở chiếm tỷ lệ trên 90%. Nội dung đào tạo nghề cũng đã giúp cơ sở CNNT có đội ngũ lao động tay nghề cao, ổn định.

Hải Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận