Theo phản ảnh của doanh nghiệp kinh doanh gas, hiện nhiều xe bồn chở khí gas đang “nằm” mắc kẹt ở cửa ngõ Cần Thơ bởi đòi hỏi phải sang hàng của địa phương này. Cụ thể, đại diện Công ty Kinh doanh sản phẩm Khí (PVGas Trading) - đơn vị trực thuộc PV GAS cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện nhiệm kinh doanh và phân phối khí (LPG) trên toàn quốc với thị phần 70%. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất điện, đạm, dân dụng, công nghiệp... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và các doanh nghiệp trong chuối cung ứng và sản xuất.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên hoạt động vận chuyển đến và qua thành phố Cần Thơ của đơn vị vẫn chưa được tháo gỡ.
![]() |
Hàng dài xe bồn chở khí gas đang “nằm” mắc kẹt ở cửa ngõ Cần Thơ |
Hiện tại LPG được vận chuyển bằng xe bồn chuyên dụng từ Kho Thị Vải - Bà Rịa -Vũng Tàu/Kho Gò Dầu- Đồng Nai để giao cho khách hàng tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây để phục vụ cho sản xuất công nghiệp và dân dụng. Các xe vận chuyển LPG đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải trước khi vào làm thủ tục giao hàng tại Cần Thơ như test nhanh Covid-19 có hiệu lực 72h, trang bị bảo hộ y tế, khai báo y tế, đăng ký và dán mã QR luồng xanh cho xe bồn, hay các yêu cầu của địa phương như khử khuẩn xe, cam kết của nhà vận chuyển…
Tuy nhiên, kể từ ngày 23/08, thành phố Cần Thơ siết chặt hoạt động vận chuyển vào và qua TP. Cần Thơ với các biện pháp tăng cường: Thực hiện đăng ký xe ra vào với Sở Công Thương để chuyển thông tin cho Sở Giao thông vận tải và Công an thành phố Cần Thơ. Hay tập trung giao nhận hàng hóa tại các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Trường hợp không thể thực hiện được thì đổi tài xế người trong thành phố và gửi thông tin đăng ký với Sở Công Thương để cấp duyệt.
Với yêu cầu trên của thành phố Cần Thơ thì việc vận chuyển LPG vào và qua địa phương này hiện không thực hiện được. Nêu lý do, đại diện doanh nghiệp cho biết, LPG là mặt hàng có nguy cơ cháy nổ rất cao nên phương tiện vận chuyển là xe chuyên dụng, tài xế phải được đào tạo về an toàn kỹ thuật để có khả năng xử lý kịp thời các tình huống, sự cố không an toàn trong quá trình vận chuyển.
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần vận tải sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping) cho biết, Gas Shipping đang thực hiện vận chuyển LPG cho PVGas Trading để cung cấp cho thị trường Cần Thơ và các tỉnh miền Tây. Hiện Gas Shipping và các nhà thầu phụ có khoảng 20 xe bồn đang nằm chờ để vào, qua thành phố Cần Thơ. Gas Shipping đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của thành phố nhưng cho đến nay sau hơn 48h chờ đợi mới chỉ có 1 xe bồn được cấp giấy phép.
“Việc thực hiện giao nhận hàng hóa tại các điểm trung chuyển do thành phố Cần Thơ bố trí đối với mặt hàng LPG là bất khả thi do các quy định của pháp luật hiện hành không cho phép và dễ xảy ra các sự cố cháy nổ, mất an toàn” - ông Nguyễn Cảnh Toàn chia sẻ.
![]() |
Quy định của Cần Thơ sẽ dẫn đến khả năng đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân |
Theo ông Toàn, thông qua các nghị định, hướng dẫn quy định về kinh doanh Khí, Chính phủ luôn nghiêm cấm mọi hành vi sang mạn, sang chiết LPG không đúng nơi quy định, với điều kiện không đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn nhà nước và quốc tế.
Xe bồn chứa LPG là xe chuyên dụng, lái xe vận hành phải được đào tạo bài bản cùng với nhiều năm kinh nghiệm. Hệ thống công nghệ của xe bồn LPG có nhiều đặc tính chuyên biệt, đòi hỏi người lái xe phải có thời gian dài làm quen và được thẩm định năng lực điều khiển. Hiện nay, lực lượng lái xe tại chỗ của Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh thành khác không thể đáp ứng, do không có đơn vị vận tải xe bồn LPG của Cần Thơ, nên việc thuê hay điều động để thực hiện trung chuyển như yêu cầu của Sở Công Thương Cần Thơ là không thể.
Trong tình trạng không được phép lưu thông với những lý do không thể giải quyết được, đoàn xe bồn LPG và rất nhiều các xe tải, xe bồn khác đang kéo dài chuỗi ùn ứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như không thể hỗ trợ người dân Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. “Khổ sở nhất là lực lượng lái xe bồn LPG liên tỉnh, thực sự quá vất trong những ngày này. Theo yêu cầu, tất cả các lái xe không được phép xuống xe, phải ở trên cabin, không có đồ ăn thức uống cũng như vệ sinh. Xe đậu trong bãi tập kết/trung chuyển rất chật chội và hỗn loạn, nhưng nếu đậu ngoài đường thì người dân xua đuổi, CSGT được quyền phạt do xe có biển số TP. Hồ Chí Minh/Đồng Nai đều là vùng “đỏ” của dịch Covid. Việc thuê nhà nghỉ cũng vì thế mà càng khó khăn” - ông Toàn nói.
Được biết, ngày 22/8, Sở Công Thương TP. Cần Thơ ban hành công văn số 2279/SCT-QLTM yêu cầu một số các quy định triển khai tại địa phương, không đồng nhất với quy định của Chính phủ, buộc tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa tại bãi đậu ngoài thành phố. Việc này lập tức đã dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, hàng ngàn phương tiện vận tải hàng hóa phải nằm lại ở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa TP. Cần Thơ do vướng thủ tục.
Tại Hội nghị trực tuyến về thuận lợi cho vận chuyển nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều ngày 25/8, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cần Thơ dừng ngay việc đưa thêm các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, những quy định này đã vi phạm chỉ đạo của Chính phủ. "Chính phủ đã chỉ đạo xe nào đã được cấp mã QR Code chỉ tiền kiểm và hậu kiểm. Cần Thơ là đầu mối giao thông mà lại làm khó dễ như vậy là không ổn, gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp” - Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải nói và cho biết, địa phương nào “đẻ” ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm.
Trong cuộc họp này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu những thực tế từ vướng mắc các doanh nghiệp thiết yếu trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở thành phố Cần Thơ.
“Thành phố Cần Thơ cần cân nhắc bỏ trạm trung chuyển hàng hóa, hoặc tiếp thu xử lý luôn để tạo kiện cho các doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu thuận tiện trong lưu thông phân phối. Nếu tình hình lưu thông tại thành phố Cần Thơ tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp không lưu thông được sẽ dẫn đến khả năng đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân” - ông Trần Duy Đông nói.