Báo động khai thác đá ở Hữu Lũng - Lạng Sơn (Kỳ II)

Mặc dù hoạt động khai thác đá trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã diễn ra nhiều năm với không ít hệ lụy, tuy nhiên công tác kiểm tra, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương còn rất nhiều hạn chế...

Kỳ II: Doanh nghiệp làm sai, chính quyền khó xử!

\"\"
Công nhân khoan đá nổ mìn dưới chân núi

Trên 90% khai thác sai thiết kế đã được phê duyệt

Theo Sở Xây dựng Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng hiện có 29 mỏ khai thác đá vôi có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm sau cấp phép được thực hiện khá thưa thớt. Số liệu mới nhất Sở Xây dựng Lạng Sơn cung cấp cho chúng tôi kết quả của đợt kiểm tra là từ… tháng 9/2013 và cũng chỉ thực hiện với 8 mỏ khai thác đá vôi trên địa bàn toàn tỉnh…

Ông Hoàng Văn Cung - Giám đốc Công ty CP Hải Cung - trao đổi thẳng thắn: \"Hơn 30 mỏ đá vôi trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều không khai thác theo đúng thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Nguyên nhân là thiết kế mỏ không phù hợp với điều kiện thực địa của các khu mỏ nên chúng tôi không thể làm theo thiết kế, dù biết như vậy là mất an toàn khai thác\". Khi chúng tôi hỏi: \"Thiết kế mỏ xây dựng dựa vào đâu? Các cơ quan chức năng không kiểm tra thực địa khi phê duyệt thiết kế mỏ?\"... thì ông Cung chỉ cười(!?).

Tại mỏ đá vôi Lân Hà của Công ty CP Đầu tư Phú Sơn, xã Đồng Tiến, lý giải việc không tuân thủ thiết kế mỏ, ông Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại An Sơn – phân tích: do địa hình vách đá đứng nên để làm theo mô hình thiết kế chuẩn là cắt tầng từ trên xuống thì cần phải có nhiều năm mới hình thành được tầng khai thác... Tuy nhiên, mỏ của Công ty An Sơn đã hoạt động từ tháng 1/2010, như vậy là đã sau 5 năm, mỏ này vẫn chưa thể làm theo đúng thiết kế mỏ(!?).

Ngoài việc không thực hiện đúng thiết kế, hầu hết các đơn vị khai thác mỏ tại Hữu Lũng đều vi phạm nhiều lỗi như: không cắm mốc ranh giới mỏ ngoài thực địa; không lập bản đồ hiện trạng khai thác mỏ; chưa đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất với nhà nước (thuê đất); chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; chưa thực hiện đầy đủ công tác phòng cháy, chữa cháy, công tác an toàn lao động…

Những người có chuyên môn về khai thác đá cho rằng, việc nổ mìn khai thác đá không đúng thiết kế mỏ là hết sức nguy hiểm. Cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác và không cấp phép sử dụng vật liệu nổ đối với các đơn vị làm trái qui định.

Thiếu năng lực quản lý?

Mở đầu câu chuyện với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng Hoàng Văn Dũng cho biết: khi các doanh nghiệp khai thác đá về địa phương thì họ đóng góp cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu và vi phạm một số quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản. Về trách nhiệm địa phương, ông Dũng cho rằng, huyện chỉ là một thành viên trong đoàn liên ngành do tỉnh tổ chức để thẩm định, phê duyệt dự án, cấp phép khai thác mỏ. Huyện không đủ người và trang thiết bị nên chỉ kiểm tra bằng cảm quan.

Khi được hỏi, sau đợt kiểm tra của liên ngành vào cuối năm 2013, đoàn liên ngành giao cho UBND huyện Hữu Lũng xử phạt hành chính một số lỗi vi phạm của các doanh nghiệp khai thác đá, các doanh nghiệp này đã khắc phục vi phạm chưa?... Ông Dũng lúng túng nhấc điện thoại gọi cho doanh nghiệp hỏi: \"Khắc phục chưa? Sao không gửi báo cáo cho huyện?!\".

Với cách quản lý, giám sát như vậy, dễ hiểu vì sao tình trạng “bát nháo” trong khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Hữu Lũng ngày càng diễn biến phức tạp, thiếu kiểm soát.

TIN LIÊN QUAN
Báo động khai thác đá ở Hữu Lũng - Lạng Sơn (Kỳ I)
Nguyễn Quang - Hoàng Duân
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận