Bản tin quân sự 5/1: Ukraine giảm thời gian huấn luyện chuyển loại phi côngBản tin quân sự 6/1: Ukraine phát triển tên lửa tầm xaBản tin quân sự 7/1: Ukraine sắp nhận máy bay Mirage |
Nga triển khai hệ thống S-500 bảo vệ cầu Crimea; Đức cung cấp xe chiến đấu bộ binh hiện đại cho Ukraine là các nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Nga triển khai hệ thống S-500 bảo vệ cầu Crimea
Theo Tạp chí quân sự Аrmy Recognition, Trung đoàn đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus của Nga, được Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov công bố vào cuối tháng 12/2024, sẽ có nhiệm vụ bảo vệ cầu Crimea. Hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa này trước đây đã được triển khai thử nghiệm ở Crimea.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus do Almaz-Antey phát triển, được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay tàng hình như F-35, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa siêu thanh và tên lửa tầm thấp, thậm chí là cả vệ tinh. Hệ thống có hai cấu hình là dành cho phòng không tầm xa và cho phòng thủ tên lửa. Tầm bắn tối đa của hệ thống là 600 km và độ cao đánh chặn là 200 km, vượt trội so với các phiên bản tiền nhiệm S-300 và S-400 vốn bị giới hạn ở phạm vi 400 km và độ cao thấp hơn.
Аrmy Recognition cho biết thêm, mỗi trung đoàn S-500 bao gồm 12 bệ phóng có khả năng phát hiện và đánh chặn tới 10 đầu đạn tên lửa đạn đạo bay với tốc độ lên tới 7 km/giây.
![]() |
Hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus. Ảnh: Topwar |
“Việc triển khai S-500 để bảo vệ cầu Crimea giúp loại bỏ các lỗ hổng phòng không của Nga trong khu vực. Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine sử dụng các tên lửa tiên tiến do phương Tây sản xuất như ATACMS và Storm Shadow đã nhắm vào các hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy quan trọng ở Crimea. Những cuộc tấn công này đã gây hư hại sân bay Saki và cơ sở hạ tầng phòng không ở Dzhankoy. Cầu Crimean, một mắt xích quan trọng để vận chuyển vật tư quân sự giữa đất liền Nga và Crimea, cũng đã từng bị tấn công trước đó, dẫn đến các biện pháp tăng cường để bảo vệ công trình quan trọng này”, Аrmy Recognition viết.
Đánh giá về những ưu điểm của hệ thống phòng không S-500 mới nhất của Nga, Аrmy Recognition cho rằng: “Việc triển khai S-500 tới Crimea có thể ngăn cản các hoạt động trinh sát và quân sự của NATO gần khu vực xung đột, đặc biệt là do hệ thống này có khả năng đánh chặn các mối đe dọa tên lửa và trên không tiên tiến.
Lực lượng vũ trang Ukraine hiện đang tìm mọi cách để chống lại hệ thống phòng không S-500 của Nga, một trong số đó có thể là tên lửa hành trình Trembita.
Mặc dù ban đầu hệ thống này nhằm mục đích bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea, nhưng việc triển khai rộng rãi hơn có thể tác động đến động lực quân sự khu vực và toàn cầu. Hệ thống này dự kiến sẽ trở thành thành phần trung tâm của mạng lưới phòng thủ Nga, bổ sung cho các hệ thống S-400 và S-300 hiện có, đồng thời mở rộng khả năng hoạt động để chống lại các mối đe dọa trong tương lai.
Đức cung cấp xe chiến đấu bộ binh hiện đại cho Ukraine
Công ty quốc phòng Đức Rheinmetall đã giao chiếc xe chiến đấu bộ binh bánh xích Lynx (IFV) mới đầu tiên cho Ukraine vào cuối năm 2024. Tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức đã xác nhận thông tin này.
Theo Frankfurter Allgemeine Zeitung, xe chiến đấu bộ binh được sản xuất tại nhà máy của công ty ở Unterlus (bang Lower Saxony). Lãnh đạo Rheinmetall Armin Papperger cho biết, quân đội Đức sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm để quyết định sản xuất hàng loạt. Công ty cũng dự kiến sẽ lắp ráp các xe chiến đấu bộ binh này tại Ukraine.
Xe chiến đấu bộ binh Lynx KF41 có trọng lượng 45 tấn, chiều dài 7,7 m; chiều rộng 3,6 m; chiều cao 3,3 m với kíp chiến đấu 3 và có thể chở theo 8 lính bộ binh được trang bị vũ khí đầy đủ.
Xe được trang bị động cơ diesel Liebherr 1.140 mã lực (850 kW), cho phép di chuyển với tốc độ tối đa đạt 70 km/giờ, tầm hoạt động 500 km. Ngoài ra, xe cũng có thể vượt qua các rãnh rộng đến 2,5 m vượt chướng ngại vật cao 1 m và hố sâu 1,5 m.
![]() |
Xe chiến đấu Lynx KF41 là phương tiện quân sự hiện đại được Đức cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Rheinmetall |
Xe có cấu tạo gồm 3 khoang: Khoang người lái ở phía trước, bên trái và động cơ ở phía trước, bên phải; khoang chiến đấu ở giữa và một khoang chở bộ binh phía sau. Lynx sử dụng cơ cấu bánh xích địa hình cùng kết cấu đáy kép dạng V có khả năng kháng mìn.
Vũ khí chính của phương tiện chiến đấu này là pháo bắn nhanh 30mm, tốc độ bắn 200 phát/phút, có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly 3.000 m. Phiên bản cải tiến tiếp theo là một khẩu pháo Wotan 35 mm, tương thích loại đạn 35 x 228mm do Rheinmetall phát triển với ngòi nổ điện tử có khả năng lập trình khoảng cách nổ.
Ngoài ra, hỏa lực trên xe còn có súng máy song song 7,62mm và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Spike LR2.
Lynx được trang bị gói bảo vệ kháng mìn mìn và các thiết bị nổ tự chế IED, hệ thống bảo vệ chủ động. Ngoài ra, Lynx KF41 còn lắp đặt thêm hệ thống hỗ trợ kíp xe quan sát trong phương tiện, hệ thống quản lý chiến trường và hệ thống cảm biến quang-điện tử. Chúng được tích hợp trong tháp pháo Lance cùng với tính năng nhận dạng và theo dõi mục tiêu tự động.
Trước đó, Đức cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay tấn công không người lái trí tuệ nhân tạo Helsing. Loại máy bay này không dễ bị ảnh hưởng bởi các hệ thống tác chiến điện tử và được gọi là “mini-Taurus” (tương tự như tên lửa hành trình Taurus).