Bàn giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội

Cá tra là ngành hàng chủ lực tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, lượng cá tra quá lứa rất lớn, chưa tiêu thụ được. Trong khi đó, vụ thu hoạch sắp tới doanh nghiệp (DN) đối diện với thiếu hụt nguyên liệu. Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội đang được đặt ra lúc này.

Sản lượng thu hoạch giảm mạnh

Tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” tổ chức chiều ngày 25/9, ông Trần Đình Luân- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, sản lượng cá tra thu hoạch trong 02 tháng giãn cách xã hội giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 năm 2020. Đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Khu vực nuôi cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt-Úc
Khu vực nuôi cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt-Úc

Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Cơ sở nuôi đã thích ứng bằng cách giảm cho cá ăn. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện vẫn duy trì ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 500đ/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Theo thống kê hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký XK tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190 ngàn. Tính đến đầu tháng 9 hiện có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra ước 9 tháng năm 2021 đạt 1,054 tỷ USD, bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch XK tháng 8/2021 đạt 85 triệu USD giảm 31% so với tháng 7/2021.

Lo ngại thiếu nguyên liệu những tháng đầu năm 2022

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho hay, hiện nhu cầu thị trường XK rất khả quan, đặc biệt là thị trường Nga và Mexico. Ngoài ra, một số thị trường mới nổi trong năm 2021 đang hứa hẹn nhiều hi vọng như: Colombia, Nga, Ai Cập. Dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều quốc gia đang tăng lên, đặc biệt là sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Giá cá tra XK cũng đang tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành trong giai đoạn dịch bệnh... cũng là trở ngại lớn để các DN trở lại sản xuất. Với tình hình hiện nay, khả năng XK cá tra tháng 9 có thể giảm trên 30%, nhiều DN sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới. Thiếu nguyên liệu những tháng đầu năm 2022 là chắc chắn xảy ra.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo bà Trương Thị Lệ Khanh- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, sản xuất cá tra trải dài toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Làm sao để đội công đoàn thu mua chế biến và thu hoạch được di chuyển trên địa bàn các tỉnh nuôi cá tra. “Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15+ và Chỉ thị 16 cho bà con nuôi giống có điều kiện đi chăm sóc ao, mua vật tư và thả giống mới. Có như vậy, chuỗi cung ứng giống sang năm 2022 mới không bị gián đoạn”, bà Khanh cho biết.

Để phát triển bền vững ngành hàng các tháng cuối năm 2021 và năm 2022, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam- cho rằng, cần tập trung và tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, DN chế biến XK tạo ra do ảnh hưởng của Covid 19. “Cần nâng tỷ lệ tiêm vắc xin trong toàn chuỗi để ngành sớm trở lại hoạt động bình thường. Cần có quy định cụ thể để các DN thực hiện. Bởi đôi khi quy định của Trung ương rất rõ ràng, nhưng khi xuống địa phương lại khó khăn”, ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư với nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khắn cho khách hàng ngành thủy sản. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh chưa được hưởng các ưu đãi từ những hỗ trợ này. Đề xuất các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước xem xét có giải pháp mang lại thiết thực hơn. Đồng thời, hỗ trợ cho DN nguồn vốn mới để duy trì sản xuất do dịch Covid-19 kéo dài DN hoạt động không hiệu quả trong thời gian dài.

Về phía VASEP, bà Ngô Tường Vy cũng kiến nghị cần điều chỉnh linh hoạt các qui định chống dịch và phương án phục hồi kinh tế. Tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để viêc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh. Chính phủ xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ cho DN như lãi suất giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, thuế... để DN mạnh dạn tính các bài toán khôi phục kinh tế.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long chế biến, XK 100% cá tra. Chế biến XK là đầu ra và động lực để thúc đẩy sản xuất toàn chuỗi. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, các DN cần linh hoạt xây dựng phương án phục hồi sản xuất thích nghi trong bối cảnh mới.

Giải đáp các kiến nghị liên quan đến tình hình dịch Covid -19, ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế- cho biết: Hiện 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo những cấp độ khác nhau, từ đó có độ vênh nhất định. Vì thế, Bộ Y tế thống nhất việc phải xây dựng hướng dẫn chung cho tất cả 19 tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, nhằm đảm bảo có chính sách đồng bộ để phát triển kinh tế, trong đó có ngành cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Y tế xác định, chúng ta không thể “Zero Covid-19”, vì thế, cần xây dựng kịch bản linh hoạt có kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn mới để đảm bảo sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” với phiên bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:

Không gian kinh tế hay chuỗi ngành hàng cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được ví như các mạch máu trong mỗi con người. Nếu đứt gãy mạch máu nào thì cũng sẽ gây ách tắc. Kế hoạch phục hồi làm sao có thể tốt nhất trong cả việc đảm bảo phòng chống dịch và phát triển chuỗi ngành hàng. Bộ Y tế cần sớm đưa ra kịch bản hướng dẫn cho các DN trong điều kiện bình thường mới như thế nào?

Đây cũng là dịp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế. Đồng thời đề nghị các địa phương, DN cần tạo ra một khí thế mới sau đại dịch.

Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận