Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh, tính riêng trong năm 2019, tổng kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh đạt gần 6,7 tỷ đồng; trong đó có 3,9 tỷ đồng dành cho việc thực hiện chương trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 19 cơ sở CNNT. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 240 lao động, bằng phương thức cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn một cách trực quan sinh động. Nhờ vậy, khi khóa học kết thúc các lao động có trình độ tay nghề tốt, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc. Hoạt động đào tạo nghề, nâng cao tay nghề được triển khai chủ yếu với hình thức đào tạo ngắn hạn tại chỗ và xây dựng thành chuỗi hoạt động theo quy trình khép kín từ khởi sự doanh nghiệp (DN), vận hành đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Chương trình khuyến công được đưa vào thực tiễn hiệu quả |
Đánh giá của nhiều DN, các chương trình khuyến công đã được đưa vào thực tiễn hiệu quả, trở thành người bạn đồng hành với DN, cơ sở sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm CNNT. Từ đó, nhận thức của đơn vị sản xuất về chương trình khuyến công cũng được nâng lên đáng kể.
Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, hoạt động hỗ trợ của địa phương đã bám sát chương trình khuyến công ở từng giai đoạn; phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của đơn vị sản xuất. Trong đó, nhiều chương trình đã cho kết quả nổi bật, như: Xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Các chương trình khuyến công thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều DN, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng toàn diện, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng xác định những hạn chế cần khắc phục: Nhiều cơ sở CNNT chưa hiểu rõ về chính sách cũng như nội dung của chương trình khuyến công; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Địa phương chưa có các đề án khuyến công mang tính liên vùng, lan tỏa mạnh. Ngoài ra, hoạt động khuyến công chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mà chưa huy động được nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020, trung tâm đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể. Theo đó, tăng cường bám sát DN, cơ sở sản xuất, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, sản xuất để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp, sát thực tiễn; tiếp tục chú trọng khuyến khích đơn vị đầu tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất; áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các cấp, ngành và người dân nắm được chính sách khuyến công của Nhà nước và địa phương. Qua đó, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. |