8 năm Cuộc vận động \"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam\": Hiệu quả toàn diện nhờ \"ý Đảng\" hợp \"lòng dân\"

Nếu sự hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty mang lại những hợp đồng hàng nghìn tỷ đồng thì câu chuyện đưa hàng Việt ngược về vùng khó khăn như nông thôn, miền núi, hải đảo… lại mang ý nghĩa nhân văn đặc biệt. Bởi càng những nơi khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhu cầu hàng hóa chính hãng của bà con càng lớn.
\"\"
Hàng Việt đến với bà con vùng sâu, vùng xa

BÀI 3: HÀNG VIỆT NGƯỢC VỀ VÙNG KHÓ

\"Phủ sóng\" hàng Việt đến vùng khó khăn

Có trực tiếp tham gia một chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo mới thấy, ở nhiều nơi, để mua được tấm áo, cái kẹo, chiếc bánh… là cả một sự nỗ lực không nhỏ. 

Ấy là ở một thôn nhỏ của huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) - nơi thường xuyên bị chia cách bởi lũ vào mùa mưa, nơi bà con dân tộc chủ yếu vào rừng kiếm củi, đời sống khó khăn, hàng hóa thiếu thốn. Mỗi năm, Sở Công Thương Quảng Nam đều phối hợp với doanh nghiệp (DN) tổ chức các phiên chợ hàng Việt đến với bà con, sự cố gắng đã phần nào đáp ứng yêu cầu, nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm nhu cầu của bà con. 

Hoặc ở xã vùng cao Võ Miếu (huyện Thanh Sơn - Phú Thọ), nơi chỉ cách khu vực trung tâm 30 km, nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Con đường mòn duy nhất dẫn vào Võ Miếu nằm chênh vênh bên vách núi, một bên là núi cao đất đỏ, một bên là thung lũng mênh mông, rậm rì lau lách. Đây cũng là con đường vận chuyển hàng hóa duy nhất vào với bà con. Xa xôi cách trở đã đành, đưa hàng hóa vào đây cũng chẳng dễ dàng. Bà Nguyễn Lệ Thủy - chủ cửa hàng thương mại xã Võ Miếu - cho biết, do đi lại vất vả, mưa là trơn như đổ mỡ, nắng thì bụi đỏ mịt mù nên DN sản xuất rất ngại mang hàng đến chào bán. Trước đây, vợ chồng tôi phải tự chạy xe máy thồ hàng từ trung tâm về, vất vả lắm, nhưng vì phục vụ bà con mà cố gắng.

Khó khăn là vậy nên khi Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động \"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam\" (CVĐ) được Chính phủ thông qua vào tháng 4/2014, giao Bộ Công Thương triển khai, một trong những mục tiêu lớn nhất Đảng ủy Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện là xây dựng bằng được các điểm bán hàng Việt Nam tại tất cả các tỉnh, thành phố, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn…

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó trưởng Ban thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện CVĐ trầm ngâm kể lại, thời điểm mới triển khai đề án, mục tiêu này được đánh giá là khá mạo hiểm bởi hàng loạt vấn đề như DN nào sẽ bỏ vốn đầu tư xây điểm bán; nguồn hàng từ đâu để bảo đảm 100% hàng tại các điểm bán là hàng Việt Nam… đều là những câu hỏi chưa có ngay lời giải. 

Tuy nhiên, một lần nữa niềm vui lại đến khi cán bộ Bộ Công Thương nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ hầu khắp các địa phương. Tỉnh ủy ra Nghị quyết, kế hoạch… các đơn vị nhiệt tình triển khai. Cán bộ các Sở Công Thương địa phương cũng không tiếc công sức đi khảo sát những điểm bán cách xa trung tâm nhưng có nhu cầu thực sự về hàng Việt, đồng thời vận động DN đầu tư xây điểm bán. \"Rất nhiều Tỉnh ủy địa phương trước đó đã ra các Thông tri, Quyết định hưởng ứng CVĐ. Từ các văn bản này, hàng năm, Ban chỉ đạo CVĐ địa phương lại tiếp tục ban hành các kế hoạch thực hiện mục tiêu. Nhiều địa phương, Tỉnh ủy viên là Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ. Cứ Tỉnh ủy nào vào cuộc, chương trình hàng Việt đều thành công ngoài mong đợi\" - bà Nga khẳng định.

Đơn cử, tại Quảng Nam, ngay sau khi Đề án được triển khai, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ra Quyết định số 1956-QĐ ngày 30/10/2014 kiện toàn Ban chỉ đạo để nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ. Tại Phú Thọ, thực hiện Thông tri số 25-TTr/TU năm 2006 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện CVĐ… Tại Sơn La, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện CVĐ. Kết quả, đây đều là những địa phương triển khai rất tốt CVĐ.

\"Mùa quả ngọt\"

Nhờ sự vào cuộc kịp thời của hầu khắp các Tỉnh ủy, Sở Công Thương địa phương, chỉ sau 2 năm phát động, đã có 50 tỉnh, thành phố có Điểm bán hàng Việt Nam. Có những điểm nằm ở các cụm xã rất khó khăn, phải chạy xe nhiều giờ mới đến. Có những điểm bán chỉ là một đại lý nhỏ nhưng lại nằm bên con đường sầm uất, nơi phát luồng hàng hóa hiệu quả ra khu vực trung tâm… Bà Lê Việt Nga khẳng định: \"Mỗi điểm bán có đặc trưng riêng nhưng đều nằm ở những vị trí mà hàng hóa thiết yếu thực sự là niềm mơ ước của người tiêu dùng\".

\"\"
Đưa hàng từ đất liền ra đảo Cô Tô

Chính vì lẽ ấy, nên không ít người giấu được cảm giác rưng rưng khi Điểm bán hàng Việt Nam được hình thành và xây dựng tại thôn 1 - xã Trà Mai (huyện Nam Trà My - Quảng Nam). Đó không những là điểm bán hàng cho người dân mà còn là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu, giảm bớt khó khăn và giữ chân những cán bộ đã vượt khó để gắn bó với mảnh đất này. 

Bà chủ cửa hàng Thương mại Võ Miếu vui mừng chia sẻ, từ khi Điểm bán hàng Việt Nam được hình thành, nhiều DN sản xuất đã chủ động đến chào hàng, bày biện, sắp xếp hàng hóa tại cửa hàng sao cho bắt mắt. Cửa hàng khang trang hơn, bà con đến mua nhiều hơn, doanh thu cửa hàng tăng gấp đôi trước đó. 

Và hẳn cũng nhiều người có cảm giác ấm lòng khi nhìn thấy từng tốp công nhân xách những túi hàng Việt lớn từ Điểm bán hàng Việt Nam do siêu thị Lan Chi Mart đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Đồng Văn - tỉnh Hà Nam). Ở đây, những người công nhân sạm đen vì nắng gió hồn nhiên kể: \"Công nhân lương thấp lắm, được mua hàng khuyến mại là thích nhất. Siêu thị còn có khu vui chơi giải trí miễn phí, sạch sẽ, phù hợp với công nhân\".

Ra về rồi, câu hỏi kết thúc cuộc trò chuyện của tôi với người phụ nữ đã gắn bó 8 năm với CVĐ dường như vẫn rung lên những thanh âm ấm áp, nhẹ nhàng. \"Theo bà, bí quyết thành công của CVĐ là gì?\" - tôi hỏi. Bà Lê Việt Nga mỉm cười: \"Đầu tiên là nhờ một chủ trương đúng của Đảng, từ đó huy động sự vào cuộc tổng lực của DN, địa phương. \"Ý Đảng\" đúng sẽ hòa hợp làm một với \"lòng dân\". Đây không chỉ là bài học thành công của CVĐ mà còn là bài học khi triển khai nhiều chính sách phát triển thị trường trong nước khác nói chung.

Phương Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận