![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tặng hoa Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc |
Những dấu ấn chuyển mình cùng đất nước
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi thời kỳ cách mạng, Cơ quan công tác dân tộc có tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, ở giai đoạn nào, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
“Nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn về công tác dân tộc và ưu tiên nguồn lực thực hiện, đến nay vùng dân tộc và miền núi đã từng bước phát triển toàn diện, ngày càng bền vững hơn; đời sống vật chất, tinh thần và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố” - ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT nhấn mạnh.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm xuống còn khoảng 14% (riêng hộ nghèo DTTS chiếm 23% hộ DTTS), bình quân mỗi năm giảm trên 2%, các huyện nghèo giảm 4%; 98% xã có đường ô tô đến trung tâm, 82% thôn, bản có đường cho xe cơ giới; 94% xã có điện lưới quốc gia, 90% hộ được sử dụng điện; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế; 98% xã có trạm bưu điện văn hóa xã; 90% xã được phủ sóng phát thanh, 80% xã được phủ sóng truyền hình. Đội ngũ cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
“Trước kia, quãng đường 35 km từ trung tâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vào đến xã Chế Tạo của huyện chỉ có thể đi bộ và đi mất cả ngày đường. Vậy nhưng từ khi có Chương trình 135, con đường vào Chế Tạo đã được trải nhựa gần hết. Giờ vào đến trung tâm xã chỉ mất 2 giờ đi xe máy. Thật là một điều kỳ diệu!” – anh Hảng A Ký, người dân tộc Mông, xã Chế Tạo phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Hảng A Ký, mà nhiều đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước đã có được niềm vui khi “điện, đường, trường, trạm” được dẫn lên tận thôn, xóm. “Cái chữ” không còn xa lạ với trẻ em DTTS; nhiều hủ tục đã dần được thay thế bởi các chính sách giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe triển khai đến tận thôn, bản.
Tiếp tục tập trung giảm nghèo
Nếu như trước khi được thụ hưởng Chương trình 135, các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa; Đắk Lắk, Đắk Nông, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng… đều có xuất phát điểm thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều công trình phúc lợi còn tạm bợ, giao thông cách trở, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Thì giờ đây, sau khi Chương trình 135 được triển khai, mỗi địa phương đều đã có những thay đổi lớn lao, đời sống vật chất, tinh thần và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên. Từ các rẻo cao đến các xã, đảo ven biển…, đồng bào đã tích cực nỗ lực xóa đói, giảm nghèo; một bộ phận đang vươn lên làm giàu chính đáng.
Trước những kết quả này, giai đoạn 2016 - 2020, song song với vấn đề củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng DTTS và miền núi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Công tác giảm nghèo cho khu vực này - cũng là lõi nghèo của cả nước - sẽ được đặc biệt chú trọng, làm sao để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Trong đó, mục tiêu đặt ra là: Bình quân mỗi năm giảm 3 - 4% hộ nghèo DTTS. Xóa nhà ở dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện nay”.