5 quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển năng lượng

ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng đã hệ thống hóa 5 quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát huy tốt vai trò tham mưu trong phát triển năng lượng...Đổi mới truyền thông trong phát triển năng lượng bền vững

Phát triển năng lượng quốc gia cần dựa trên những định hướng chiến lược có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc, đảm bảo tính hệ thống và vận hành đồng bộ. Quan điểm, chủ trương của Đảng là nền tảng quan trọng, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển từng giai đoạn.

Trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, ngành năng lượng cần định hướng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và đảm bảo an ninh năng lượng. Từ năm 2021, với những tiến bộ công nghệ đáng kể, chính sách năng lượng cũng phải đáp ứng yêu cầu chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tuân thủ cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thách thức và động lực phát triển của ngành

Nội lực ngành năng lượng đang ngày càng vững mạnh, giúp nâng cao khả năng chống chịu trước các cuộc khủng hoảng. Do đó, việc phát huy tiềm năng năng lượng quốc gia, thu hút đầu tư và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt. Trên cơ sở này, ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng đã hệ thống hóa năm quan điểm chủ chốt về phát triển năng lượng quốc gia.

pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net zero
Quan điểm, chủ trương của Đảng là nền tảng quan trọng, tạo sự đồng thuận xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển từng giai đoạn. - Ảnh minh hoạ

Quan điểm 1: Năng lượng là ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò quyết định trong bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng. Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, quan điểm này phù hợp với tư tưởng Mác - Lê-nin về tái sản xuất mở rộng, nhấn mạnh vai trò của sản xuất tư liệu sản xuất. Điều này được khẳng định trong các văn kiện quan trọng như Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, Văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết 55 về chiến lược năng lượng quốc gia.

Trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam cần cơ chế kiểm soát hiệu quả để tránh độc quyền, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Giá năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát và chi phí sản xuất. Vì vậy, chính sách năng lượng cần linh hoạt, hài hòa lợi ích và thích ứng với thị trường nhằm phát triển bền vững.

Quan điểm 2: Phát triển năng lượng quốc gia theo hướng bền vững, bao trùm và có cơ cấu tối ưu. ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, nhận định xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, với sự suy giảm của năng lượng hóa thạch và sự gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Theo IEA, từ năm 2023, quá trình này diễn ra nhanh, phù hợp với chiến lược giảm phát thải carbon.

Tại Việt Nam, Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 tạo hành lang pháp lý thúc đẩy điện mặt trời, điện gió, hydro và năng lượng hạt nhân. Nhiều tập đoàn lớn như Exxon, BP, Shell đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Chính sách trợ giá và hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương giúp đảm bảo phát triển bền vững, bao trùm.

Minh bạch và công bằngđộng lực phát triển

Quan điểm 3: Bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong phát triển thị trường năng lượng phù hợp với bản chất và đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, minh bạch và công bằng được xem là nền tảng quan trọng để phát triển thị trường năng lượng theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo động lực thu hút đầu tư, nâng cao tiềm lực ngành năng lượng trong dài hạn.

Là một ngành công nghiệp có xu hướng độc quyền cao, thị trường năng lượng cần những cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng thao túng, bóp méo giá cả. Việc áp dụng chính sách công bằng trong điều tiết và quản lý là giải pháp then chốt để mở rộng sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo động lực đổi mới và phát triển. Trong đó, Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 đã đặt nền móng quan trọng với những quy định về thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh, mô hình một người mua điện cùng các điều khoản bảo đảm minh bạch trong giao dịch và giá cả.

Không chỉ dừng lại ở chính sách, vai trò giám sát của xã hội, đặc biệt là truyền thông, cũng góp phần đáng kể trong việc công khai thông tin về cung – cầu, giá cả và cơ chế vận hành. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin đang tạo ra bước tiến mới trong minh bạch hóa thị trường, thúc đẩy năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trở thành xu hướng chủ đạo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, minh bạch và công bằng không chỉ là chìa khóa thu hút đầu tư mà còn là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện thể chế, tạo động lực tăng trưởng bền vững trong ngành năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng sẽ là chìa khóa cho chuyển dịch cơ cấu bền vững

Quan điểm 4: Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng. Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững. Khi Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, nguy cơ thiếu hụt điện năng có thể lên tới 30% tổng nhu cầu, theo dự báo của Quy hoạch điện VIII. Điều này đòi hỏi không chỉ tăng cường nguồn cung mà còn phải tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách thay thế đèn chiếu sáng bằng đèn LED tiết kiệm điện
Tiết kiệm năng lượng sẽ là chìa khóa cho chuyển dịch cơ cấu bền vững. - Ảnh minh hoạ

Tiết kiệm năng lượng không chỉ giảm áp lực lên hệ thống điện mà còn giúp tiết kiệm hàng tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng mới. Do đó, nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm trong từng hộ gia đình và doanh nghiệp, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo là những giải pháp quan trọng. Để nâng cao hiệu quả thực thi, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi lãng phí năng lượng, đồng thời ban hành các bộ quy tắc ứng xử trong tiêu dùng điện.

Song song với đó, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến đóng vai trò cốt lõi trong tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng. Các giải pháp như hệ thống chiếu sáng thông minh, điện mặt trời áp mái, điện gió, điện từ rác thải và hydro đang được thúc đẩy nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống. Mô hình lai ghép giữa điện lưới và năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi khả thi giúp nâng cao độ ổn định của hệ thống điện.

Quan điểm 5: Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong phát triển năng lượng. Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Việt Nam đang tích cực mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên hơn 70%, Việt Nam chủ động tiếp cận công nghệ hiện đại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Chiến lược kết nối chuỗi giá trị năng lượng đang được đẩy mạnh, từ liên kết lưới điện khu vực đến nhập khẩu công nghệ cao. Đồng thời, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực làm chủ nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định dài hạn.

Theo ThS. Vũ Khánh Thịnh và PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia là rõ ràng, nhất quán, có tính hệ thống và phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng thế giới. Các quan điểm này được xây dựng công phu, thận trọng, được bổ sung trong quá trình phát triển đất nước qua các thời kỳ và hoàn toàn phù hợp với bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đây là sản phẩm của tư duy cách mạng và khoa học về phát triển năng lượng, tạo căn cứ tin cậy về nhận thức để hoạch định chiến lược, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với sự trưởng thành về tư duy và nhận thức cùng với sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của năng lượng, vị trí ngành năng lượng và vai trò phát triển năng lượng quốc gia được khẳng định trên nền tảng mới. Quan điểm, chủ trương được hoàn thiện và cập nhật sát với tình hình thực tiễn và có tính đón đầu chiến lược. Đó là chỗ dựa vững chắc về nhận thức để có tầm nhìn mới, sứ mệnh mới của sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia trong viễn cảnh mới.

Những tiềm năng phát triển mới cần được nhận dạng và cần có quan điểm thay thế dần năng lượng hóa thạch gắn với việc khuyến khích phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo hiệu quả. Cơ chế tạo thị trường năng lượng cạnh tranh và thể chế phát triển năng lượng cần được phát triển sâu hơn để các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia nhanh chóng được hiện thực hóa.
Thế Duy
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận