10 năm TP. Hà Nội triển khai thực hiện cuộc vận động: Niềm tin người tiêu dùng tăng cao

Năm 2019 ghi dấu ấn 10 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), người tiêu dùng Thủ đô đã hướng tới lựa chọn, mua sắm hàng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhiều hơn.

Cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Theo đại diện Công ty CP khóa Việt - Tiệp, việc tham gia Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” hàng năm đã giúp công ty củng cố hình ảnh DN, uy tín sản phẩm, dịch vụ; nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

10 nam tp ha noi trien khai thuc hien cuoc van dong niem tin nguoi tieu dung tang cao

Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt chinh phục được người tiêu dùng

Đồng tình với ý kiến này, Phó giám đốc Công ty Mỹ nghệ Thiên Lộc Nguyễn Thị Hương cho rằng, công tác tuyên truyền của Hà Nội đã có tác động to lớn đến việc quảng bá các sản phẩm đạt giải Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Thái Lan, Pháp. Năm 2018, sau khi sản phẩm hộp bánh trung thu của DN đạt giải, DN đã ký kết với Công ty bánh kẹo Bảo Ngọc tiêu thụ sản phẩm. “Đặc biệt, trong Festival Nghề truyền thống Huế 2019 vừa rồi, công ty đã có doanh thu bán 200 triệu đồng tiền hàng các sản phẩm quà tặng loại nhỏ, nhiều khách đến thành phố Huế du lịch đã biết đến DN” - bà Hương chia sẻ.

Theo Ban chỉ đạo CVĐ, chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” là cách làm sáng tạo được Ban chỉ đạo CVĐ thành phố chỉ đạo thực hiện, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Cùng với các hoạt động trong khuôn khổ CVĐ, sau 10 năm thực hiện, từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay DN Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Rà soát cơ chế, thúc đẩy hỗ trợ

Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa thực sự mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới quản lý, nghiên cứu thị trường; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm cộng với giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh tranh hàng ngoại nhập. Do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả. Đồng thời, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, gắn kết việc thực hiện CVĐ với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tại hội nghị Tổng kết 10 năm TP. Hà Nội thực hiện triển khai CVĐ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, để CVĐ đi vào chiều sâu, thời gian tới Ban Chỉ đạo CVĐ TP. Hà Nội cần thường xuyên phổ biến các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, qua đó DN nắm bắt, tận dụng lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh kết nối đưa hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại, truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu…

Kết quả điều tra cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã tăng cao. Nếu như năm 2016 chỉ 30,6% người tiêu dùng tin hàng Việt, thì đến năm 2019 con số đó là 64,6%. Nhận thức về vai trò của người tiêu dùng đối với sự phát triển của DN Việt đã tăng từ 34,1% năm 2016 lên 74,4% năm 2019.

 

Nguyễn Hạnh – Vũ Cương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận